Thị trường

Giống hồng giòn Nhật Bản trên vùng cao Yên Bái

Giống hồng giòn không hạt MC1 có nguồn gốc từ hồng giòn Fuyu, là giống hồng nổi tiếng của Nhật Bản được PGS.TS Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền nông nghiệp và cộng sự nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm tại Mộc Châu, Sơn La từ những năm 2000.

Đồng Tháp: Trồng dưa trong nhà kính không đủ bán / Trồng thứ quả tưởng không còn ai ăn, bất ngờ thu lãi 700 triệu

Là một trong những loại cây ăn quả á nhiệt đới chịu rét, thích hợp trồng ở các vùng núi phía Bắc. Đây là giống hồng ngọt ăn liền, hái quả trên cây là ăn được ngay, không cần giấm, không cần ngâm, ăn giòn, ngọt không chát, rất ít hạt hoặc không có hạt.

Nằm ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, xã Nậm Khắt, Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái được nhiều người biết đến với những sản vật đặc trưng của địa phương như quả Sơn Tra, mận Tam hoa, Đào, Thảo quả, chè Shan tuyết... Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ bình quân trong năm là 18,5 độ C, được chia thành 2 mùa là mùa khô và mùa mưa.

Với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu như trên, ngoài canh tác một số cây trồng bản địa thì người dân nơi đây cũng chỉ trồng thêm được một vụ ngô nương/năm. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp bấp bênh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Hồng giòn MC1 thích nghi thổ nhưỡng khí hậu vùng cao Yên Bái.

Hồng giòn MC1 thích nghi thổ nhưỡng khí hậu vùng cao Yên Bái.

Xuất phát từ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2013 Thạc sỹ Lưu Xuân Huy (Phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Yên Bái) đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây hồng giòn MC1 trên đất trồng ngô kém hiệu quả với quy mô 2 ha (xã Nậm Khắt 1ha, xã Púng Luông 1 ha), mật độ 1.000 cây/ha, 3 hộ tham gia.

Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống, một phần vật tư phân bón, các hộ tham gia đối ứng vật tư phân bón còn lại theo định mức kỹ thuật, đóng góp công lao động, chăm sóc.

Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ tham gia luôn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình kỹ thuật trồng, bón phân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại nên tỷ lệ sống sau trồng cao, cây sinh trưởng phát triển tốt, sau 3 năm trồng (năm 2016), cây đã bắt đầu cho bói quả.

Sau trồng 6 năm đường kính gốc cây đạt 18 - 20cm, cây cao 2 - 2,5m, tán cây rộng 3,5 - 4m, đã cho thu hoạch quả ổn định, quả to, trung bình 5-6 quả/kg, khi chín hái ăn trực tiếp không phải giấm hoặc ngâm như các loại hồng khác, chất lượng quả giòn, ngọt, không chát, không hạt.

Ông Thào Nhà Của ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt tham gia mô hình với diện tích trên 2.000 m2 cho biết: “Trước đây khi chưa tham gia mô hình trồng hồng, với diện tích đất này, mỗi năm gia đình tôi chỉ trồng được 1 vụ ngô, năng suất đạt 760 - 800 kg bán với giá 6.000 đ/kg thì chỉ thu được 4,5 - 4,8 triệu đồng/năm chưa trừ chi phí.

 

Sau khi được tham gia mô hình chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây hồng giòn, tôi thấy đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh hại, chỉ bị sâu đục cành hại nhẹ. Sau trồng 6 năm cây đã cho thu hoạch ổn định, năng suất trung bình của một cây khoảng 15-20kg quả với giá bán buôn tại vườn là 30.000đ/kg thì một cây hồng giòn cho thu nhập khoảng 450.000 - 600.000đ.

Với diện tích trên gia đình tôi trồng được 200 cây hồng giòn, dự kiến năm nay sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Ngoài ra, gia đình vẫn tận dụng được các diện tích đất trống trong vườn hồng để trồng xen các loại cây trồng khác như khoai lang, ngô… để phục vụ chăn nuôi tăng thêm thu nhập”.

Theo Trần Ngọc Sơn/Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm