Hạnh Silk - người "điên tình" mang tinh hoa lụa Việt ra thế giới
Hơn 6 năm lăn lộn với dệt đũi, cọ sát đủ nhiều để Hạnh Silk của ngày hôm nay tự tin bứt phá hơn. Nếu quãng thời gian đằng đẵng trước đó là khôi phục dấu ấn làng nghề dệt đũi Nam Cao (Thái Bình) thì bây giờ là thời điểm Hạnh Silk mang sản phẩm đã thành “tinh” giới thiệu với bạn bè quốc tế với khát vọng đưa tơ lụa Việt vào bản đồ thế giới.
Vựa cây cảnh “bung lụa” đón Xuân / Clip: Ngư dân Hà Tĩnh phấn khởi vì trúng đậm sò lụa
Người đàn bà “điên tình” vực dậy một làng nghề
Lương Thanh Hạnh tức Hạnh Silk tự nhận mình là người đàn bà “điên tình” với lụa Việt thật khác người. Nơi mà chị khởi nghiệp không phải là một làng nghề dệt đang phát triển mà đó là một làng nghề gần như “chết”, nguy cơ xóa sổ. Sau nhiều năm lăn lộn chị đã đưa lụa Việt lên một tầm cao mới, tinh hoa hơn và vực dậy Nam Cao trở thành làng nghề dệt phát triển bậc nhất miền Bắc hiện nay.
Thời điểm tôi gặp Hạnh Silk là khi chị và đội ngũ nhân viên đều đang tất bận chuẩn bị thiết kế, trang trí cho không gian trưng bày lụa Hạnh Silk tại số 2 Hoa Lư (Hà Nội). Không gian này được Bộ Văn hóa hỗ trợ với mục tiêu biến nơi đây trở thành “lãnh địa” lụa tơ tằm mang đậm bản sắc Việt để đón tiếp khách nước ngoài.
Khác với cá tính "điên điên" như Hạnh Silk tự nhận thì ở ngoài chị gây ấn tượng bởi dáng vẻ nhẹ nhàng khiến tôi khó có thể tránh khỏi một sự liên tưởng đến những đường nét mềm mại của lụa tơ tằm. Ánh mắt tròn lấp lánh của chị như toát lên khát vọng lớn về một tương lai rộng mở cho lụa Việt.
Chị Lương Thanh Hạnh.
Nói đến hành trình săn lùng làng nghề đũi có phần liều lĩnh để nuôi nấng khát vọng của mình, Hạnh Silk nhớ lại khi đó chị đang có một công việc ổn định và thu nhập cao trong lĩnh vực nội thất thế nhưng chị đã quyết định gạt bỏ hết để đi khắp Việt Nam tìm hiểu về đũi. Quyết định này của chị khiến những người xung quanh hết sức ngạc nhiên và người thân thì phải đối và cho rằng quá mạo hiểm.
“Rất nhiều người ngăn cản nhưng tôi vẫn quyết đi dọc đất nước để tìm hiểu về đũi và phát hiện đũi Nam Cao khác hẳn, hoàn toàn là thủ công. Các cụ già, những người phụ nữ Đồng bằng Bắc bộ tần tảo sớm chiều ngâm tay trong nước lạnh đông cũng như hè để kéo đũi mà không có chút than phiền. Có những cụ năm nay gần 80 tuổi vẫn hăng say làm, tay thoăn thoát kéo sợi, không cần nhìn kén cũng tuốt ra sợi. Những hình ảnh này đã lưu giữ trong tâm trí tôi một cách rất sâu sắc và khiến tôi nhận thấy quyết định của mình tuy mạo hiểm nhưng rất cần thiết với bà con”, Hạnh Silk nhớ lại.
Theo chị Hạnh, vải lụa đũi Nam Cao đẹp, gân vải không bị rạc, có độ bóng, các sợi đều nhau khi mặc không bị xô lệch, sờ không bị ráp. Trung bình mỗi ngày một người làm hết năng suất sẽ kéo được hơn 100g sợi đũi thế nhưng dệt xong bà con cũng không biết bán cho ai.
Khi đã tìm ra được làng nghề Nam Cao, Hạnh Silk chia sẻ với mọi người về mong muốn phục dựng lại làng nghề thì một lần nữa lại nhận được vô vàn những lời ngăn cản và họ cho rằng chị viển vông, điên rồ gần như không ai tin chị có thể làm được. Không bị chi phối bởi những lời ra tiếng vào xung quanh, chị vẫn giữ quan điểm và bắt tay ngay vào việc tạo lập nên chuỗi giá trị sản xuất lụa tơ tằm Hanh Silk từ làng nghề Nam Cao.
Ngay từ đầu Hạnh Silk định vị thương hiệu của mình bằng các sản phẩm từ gốc, tức là từ kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, dệt đũi đến sản xuất, thiết kế để xuất đi đều được quản lý chặt chẽ. Hiện tại, Hanh Silk đã có hai vùng nguyên liệu với tổng diện tích khoảng 100 ha, đáp ứng cho việc sản xuất với các sản phẩm đa dạng như vải lụa đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm…
Hạnh Silk cùng các nhân nhân viên bày biện sản phẩm.
Trải qua giai đoạn vất vả với những khó khăn trong việc phục dựng làng nghề và những "điều ra tiếng vào" thì Hạnh "điên" tự hào khoe rằng, tài sản vô hình lớn nhất của chị đó là niềm vui của bà con nông dân khi họ vẫn được hòa mình vào tiếng dệt cửi và hơn nữa là thu nhập cũng ngày một tốt hơn. Nếu như trước đây thu nhập của bà con khoảng chưa tới 1 triệu đồng/ tháng thì nay đã tăng lên khoảng 2-4 triệu đồng/ tháng hoặc lên tới 6 -10 triệu đồng/tháng với những người dành nhiều thời gian hơn. Hiện Hạnh Silk có khoảng 100 lao động thường xuyên.
“Ngoài tạo công ăn việc làm cho bà con, chúng tôi còn khơi dậy tinh thần và lòng tự hào về làng nghề truyền thống cho bà con nên những người nghỉ hưu sớm, trên 60 tuổi vẫn có thể tham gia vào các khâu sản xuất của Hạnh Silk. Gần 80% lao động là những người trên 60 tuổi, các ông, bà lớn tuổi đều làm được”, chị Hạnh nói.
Hiện mặt hàng bán đi nhiều nhất của Hạnh Silk là khăn lụa với giá bán từ 200.000 – 1.600.000 đồng/ chiếc. Trên bản đồ các thị trường xuất khẩu của Hanh Silk đã ghi tên mình ở Thái Lan, bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Đức… Được biết, trong thời gian tới Hạnh Silk sẽ mở showroom bán hàng trực tiếp tại Pháp.
Sản phẩm minh bạch và thuần tự nhiên
Sau những thăng trầm của hành trình khởi nghiệp chị Hạnh mong muốn chứng minh quy trình sản xuất lụa của mình là hoàn toàn thủ công và thuần tự nhiên nên chị đang nỗ lực hết mình để hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc cho chuỗi sản xuất lụa Hạnh Silk. Thành phẩm của Hạnh Silk sẽ được truy xuất từ giống là của hộ nào, ngày thành tơ, ngày dệt thành khăn và ngày ra thành phẩm để vẽ hoặc hoàn thiện.
“Chúng tôi sẽ mất khoảng 2 năm để hoàn thiện quy trình truy suất nguồn gốc. Mặc dù nông dân họ có thể không quan tâm lắm nhưng vì mình cần sự minh bạch, cầm lên chiếc khăn nhấn vào test (kiểm tra) là biết ngay. Làm như vậy đi nước ngoài giữ được bản sắc văn hóa nhưng vẫn thể hiện sự chuyên nghiệp và minh bạch”, chị Hạnh nói.
Kén, sợi đũi, nguyên liệu nhuộm... được trưng bày tại số 2 Hoa Lư.
Nếu như trước đây làng nghề đũi Nam Cao chỉ bán thô thì Hạnh Silk sẽ tập trung vào các sản phẩm tinh tức là có thể nhuộm, vẽ trên tấm lụa. Chị Hạnh quan niệm làm mọi việc phải xuất phát từ tâm, chị cũng đã từng đi nhiều nơi tìm nguyên liệu nhuộm và tự tay làm nhuộm với mục đích hiểu được nguyên lý của nhuộm để tạo ra những màu sắc đẹp nhất có thể khiến khách hàng yêu quý sản phẩm của mình hơn. Vì vậy nguyên liệu mà Hạnh Silk thường dùng để nhuộm 100% từ cỏ cây, lá như lá trà xanh, lá bàng…
Thời gian gần đây, tập trung vào phần “tinh” nên Hạnh Silk đã chuyển mình từ chỗ chủ yếu xuất thô và 80% là xuất ra nước ngoài thì bây giờ con số xuống còn 60% xuất thô, 40% bán sản phẩm hoàn thiện. Thị trường trong nước chiếm khoảng 70%, tuy nhiên theo chị Hạnh, 70% này sau đó đều được các đơn vị, cá nhân mua đưa đi nước ngoài bán hoặc biếu tặng.
Chị Hạnh hào hứng chia sẻ thêm, Hạnh Silk sẽ chú trọng về bộ nhận diện thật sang trọng, bao bì sắc nét nhưng vẫn giữ những nét tinh túy, thuần Việt. Chị cũng hy vọng khi Hạnh Silk phát triển tốt, có lợi nhuận cao sẽ giữ chân được các bạn trẻ ở lại quê hương thay vì lên thành phố làm thuê hoặc đi xuất khẩu lao động. Hạnh Silk đang hướng tới việc xây dựng “nhà máy dệt lụa sinh thái” tạo môi trường làm việc sạch, chuyên nghiệp, không có tiếng ồn (hiện bà con làm việc tại nhà nên bị chi phối bởi các hoạt động gia đình - PV) cho bà con.
“Khi xây dựng được mô hình nhà máy dệt lụa sinh thái đây sẽ là một địa điểm đón tiếp đoàn tour du lịch quốc tế. Hiện nay trung bình mỗi tháng Nam Cao cũng đã đón khoảng 4 -5 đoàn du lịch mặc dù chúng tôi chưa quảng bá. Khi du lịch phát triển sẽ tăng thu nhập cho bà con từ các dịch vụ đồng thời tạo sự hào hứng cho bà con khi làm việc. Chúng tôi cũng hy vọng thay vì phải sang nước ngoài để bán thì mình xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch”, chị Hạnh chia sẻ.
Khi được hỏi làm thế nào mà chị lại có thể cạnh tranh với lụa Trung Quốc đa dạng về mẫu mã và chất lượng, chị Hạnh tự tin nói rằng nếu Trung Quốc sản xuất lụa theo công nghệ máy móc hiện đại cho ra những sản phẩm "mượt" thì đổi lại họ không có được nguồn nhân công khéo léo như Hạnh Silk. Đó là sự khác biệt, sản phẩm thiên về handmade, đảm bảo theo nét đẹp tự nhiên chứ không phải máy móc, công nghiệp mà Hạnh Silk vẫn luôn tự hào.
“Sản phẩm của chúng tôi mang sắc thái riêng, đi con đường riêng và đặc trưng riêng. Xu hướng của thế giới cũng như Việt Nam trong những năm gần đây người ta thích tự nhiên hơn. Sản phẩm của Hạnh Silk là mộc, chất và thuần tự nhiên. Chúng tôi hướng đến khách hàng khó tính, tinh tế như doanh nghiệp, kiều bào mua làm quà tặng…”, chị Hạnh chia sẻ.
Thời gian tới người đàn bà "điên" ấy lại bận rộn chuẩn bị dự triển lãm tại Ý với tư cách làng nghề truyền thống Việt Nam mang tầm ảnh hưởng thế giới. Chị bật mí, Hạnh Silk sẽ mời những nghệ nhân, người nông dân đến trình diễn quy trình dệt lụa mang đậm hồn Việt tại triển lãm.
Loan Lê
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo