Hội chợ OCOP Tây Nguyên: Tôn vinh thành tựu nông nghiệp của các địa phương
Doanh nghiệp nhạy bén, hoàn thiện hơn về sản phẩm với chuỗi OCOP / Hội chợ Giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh
Như Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) đã thông tin, từ ngày 28/11-03/12/2019 tới, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), sẽ diễn ra Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Agritrade) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan tổ chức.
Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên nhằm tôn vinh các thành tựu nông nghiệp của các địa phương (Ảnh: TL)
Theo Ban Tổ chức, đối tượng tham gia Hội chợ sẽ được mở rộng, không chỉ là các huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, trang trại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, mà còn có các tỉnh, thành khác trên cả nước tham gia. Bên cạnh đó còn có các Viện, trường, Trung tâm nghiên cứu lĩnh vực NN&PTNT; các xã, phường, thị trấn, Hiệp hội, trang trại, hợp tác xã, cơ sở làng nghề; các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành phụ trợ, dịch vụ nông nghiệp...
Với quy mô 350 gian hàng, Hội chợ sẽ được chia làm 3 khu vực, gồm: 200 gian hàng nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên và các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước; 150 gian hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thương mại, ẩm thực; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm Sinh vật cảnh Đắk Lắk.
Đối với Khu gian hàng Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên và các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước (200 gian hàng tiêu chuẩn), sẽ được bố trí để: Triển lãm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng sao.
Trong đó, Khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk 06 gian hàng; của các tỉnh Tây Nguyên 10 gian; của các địa phương khác trên cả nước là 80 gian.
Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các Viện, Trung tâm nghiên cứu, trường, Doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất... giới thiệu và bán các sản phẩm nông thuỷ sản, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây, giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp là 60 gian; Khu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm thuỷ sản, phương tiện vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch là 44 gian.
Đối với Khu gian hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thương mại, ẩm thực có 150 gian hàng, gồm: Khu thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống sản xuất bằng mọi chất liệu (như chế tác kim hoàn, đất nung, tre nứa, gỗ, vải, giấy và các ngành nghề thủ công truyền thống khác) là 80 gian; Khu gian hàng thương mại tổng hợp (trưng bày và bán sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, ưu tiên hàng sản xuất trong nước) là 50 gian; Khu vực văn hoá ẩm thực (giới thiệu các món ăn truyền thống của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh trong khu vực) là 20 gian hàng.
Cũng theo Ban Tổ chức, tuy đối tượng tham gia được mở rộng và số lượng gian hàng rất nhiều, nhưng theo Ban Tổ chức, các mặt hàng tham gia Hội chợ phải được chọn lọc kỹ càng, phải đảm bảo là những thành tựu nông nghiệp của các địa phương, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết quả xây dựng Nông thôn mới; các tiềm năng, thế mạnh ngành nông nghiệp; công nghệ tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và bảo quản của sản phẩm nông sản an toàn; các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các doanh nghiệp.
Với các sản phẩm máy móc, trang thiết bị đăng ký tham gia phải đảm bảo là các loại máy móc, thiết bị chế biến, vật tư nông nghiệp, như: Giống cây trồng và sản phẩm công nghệ phân giống; các loại phân bón mới, phân bón hợp chất, phân hữu cơ; các sản phẩm tăng cường và cải thiện chất lượng sản phẩm; thuốc trừ sâu, diệt cỏ và sinh vật có hại; thiết bị nhà kính; thiết bị, máy móc phục vụ trong chăn nuôi; thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ trong chế biến thực phẩm (máy thu hoạch và chế biến, đóng gói nông sản...).
Đây là dịp tốt để kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp (Ảnh: VH)
Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên còn có nhiều chương trình quan trọng khác, như: Hội thảo giới thiệu sản phẩm an toàn của các Hợp tác xã; Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên” (ngày 29/11, tại Khách sạn Mường Thanh, TP. Buôn Ma Thuột)...
Cũng theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Hội chợ nhằm tạo động lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, định hướng 2030; tạo cơ hội, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân xây dựng, củng cố và cải thiện hình ảnh, chất lượng, thương hiệu sản phẩm góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
“Đây cũng là dịp tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh nói riêng, giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh, thành khác nói chung. Qua đó, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hoá, nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng, người tiêu dùng, tiếp cận công nghệ mới, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại – đầu tư và du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh.
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” - OCOP - là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo