Kết nối tiêu thụ liên vùng - chìa khóa giúp nông sản Việt giữ vững thị trường
Xăng dầu dự trữ quốc gia sẽ cất kho riêng, luân phiên đổi hàng / Những rủi ro tiềm ẩn tại thị trường bất động sản các tỉnh
Giới thiệu sản phẩm nông sản các tỉnh phía Bắc bên lề Diễn đàn kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản hợp tác xã phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam nói chung, các tỉnh phía Bắc nói riêng, đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức về năng lực sản xuất và áp lực cạnh tranh của nông sản ngoại nhập.
Trong bối cảnh đó, xây dựng chuỗi liên kết và kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng miền chính là chìa khóa để nông sản Việt giữ vững thị trường trong nước và từng bước chinh phục thị trường thế giới.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản hợp tác xã phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/7.
Tiềm năng lớn
Các tỉnh phía Bắc có khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa độ cao của địa hình tạo nên những tiểu vùng sinh thái đa dạng, có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới như: chuối, xoài, dứa; một số loại ăn quả á nhiệt đới như vải, nhãn, hồng, cây có múi và một số cây ăn quả ôn đới độc đáo riêng có của vùng như: lê, đào, mận, mơ…
Ông Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng diện tích cây ăn quả của các tỉnh phía Bắc hiện nay ước đạt 393.000ha, chiếm gần 40% diện tích cây ăn quả của cả nước. Trong đó, nhóm cây ăn quả chủ lực phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là: chuối với hơn 66.000 ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn/năm; vải với hơn 58.300 ha, sản lượng 350.000 tấn/năm; diện tích nhãn là 44.000ha, sản lượng hơn 241.000 tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Như Hiến, lợi thế của khu vực phía Bắc là đã hình thành những vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn như: vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương), nhãn lồng (Hưng Yên, Sơn La), cam (Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh), mận (Lào Cai, Sơn La)… Ngoài các loại trái cây nhiệt đới có thể trồng được ở các khu vực khác, miền Bắc còn trồng được một số loại trái cây á nhiệt đới và ôn đới với diện tích nhỏ nhưng đã góp phần phục vụ tiêu thụ nội địa và giảm nhập khẩu như: mận, hồng, lê, mơ…
Ngoài ra, miền Bắc cũng là khu vực chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là tuyển chọn, chuyển giao các loại giống đầu dòng có năng suất, chất lượng tốt. Tuy nhiên, số lượng các vùng chuyên canh chưa nhiều, quy mô sản xuất vẫn ở mức nhỏ lẻ, phân tán khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.
Trong ảnh: Các đại biểu tham quan các gian hàng nông sản, thực phẩm an toàntại Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN
Ngoài ra, năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả còn thấp so với các vùng khác và so với tiềm năng của giống, điều này bắt nguồn từ khả năng đầu tư thấp, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế, chưa đồng đều, đặc biêt ở các tỉnh miền múi.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông, kho bảo quản và phương tiện vận chuyển ở các vùng sản xuất tập trung cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển sản xuất khiến việc bảo quản, lưu thông hàng hóa tốn nhiều thời gian, chi phí mà tỷ lệ hao hụt lại cao. Đáng nói nhất, việc tổ chức liên kết sản xuất trong vùng còn yếu và chưa hiệu quả. Đa số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu gom của thương lái nên khó khăn trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, chất lượng trái cây không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xuất khẩu.
Tăng cường kết nối tiêu thụ liên vùng
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn ở miền Bắc với hơn 62.000ha, sản lượng trái cây năm 2019 ước đạt khoảng 410.000 tấn với chủng loại trái cây phong phú bao gồm xoài, nhãn, mận...
Để phát triển ngành cây ăn trái ngay từ đầu Sơn La đã chú trọng đến khâu sản xuất, xác định các vùng trồng sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Để tiêu thụ hết sản lượng trái cây lớn, Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước.
“Xuất khẩu là con đường nâng cao giá trị, thương hiệu cho nông sản, trái cây Việt nhưng các doanh nghiệp, địa phương sản xuất nông sản, trái cây không nên “bỏ quên” thị trường tiêu dùng trong nước. Để khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phải đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các địa phương, vùng miền bởi cơ cấu sản phẩm nông sản ở các vùng miền khác nhau mang tính bổ sung cho nhau rất tốt cả về chủng loại và mùa vụ.
Ví dụ như việc kết nối tiêu thụ trái xoài cát giữa Sơn La và Đồng Tháp rất khả thi bởi khi xoài Đồng Tháp hết vụ thì xoài Sơn La mới bắt đầu cho thu hoạch, hoặc Sơn La có các loại trái cây ôn đới như mận, đào, lê mà Đồng Tháp không trồng được và ngược lại.”, ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Việc tiêu thụ nông sản thông qua các hệ thống phân phối, bán lẻ cũng là một hình thức kết nối hiệu quả mà nhiều địa phương đang thực hiện. Ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh Sài Gòn Co.op cho biết, hiện nay, chuỗi siêu thị Sài Gòn Co.op, mỗi ngày đã tiêu thụ hơn 200 tấn rau củ quả, chính vì vậy siêu thị rất mong muốn kết nối với các địa phương, hợp tác xã có vùng sản xuất ổn định, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay chất lượng nông sản trái cây của Việt Nam không đồng đều, ổn định, hạ tầng giao thông và công nghệ bảo quản hạn chế khiến nông sản giảm chất lượng nhanh
Theo ông Nguyễn Vũ Toàn, trái cây Việt Nam hiện đang chịu áp lực cạnh tranh lớn với trái cây ngoại nhập, các siêu thị không chỉ nhập trái cây ôn đới để đa dạng sản phẩm mà còn nhập các trái cây nhiệt đới từ Trung Quốc, Thái Lan..., bởi chất lượng và giá cả cạnh tranh. Chính vì vậy, từ người sản xuất đến doanh nghiệp kinh doanh nông sản, trái cây của Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn, đảm bảo việc duy trì cả về số lượng và chất lượng mà nhà phân phối đặt ra.
Bên cạnh đó, phải đầu tư cho mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị cho sản phẩm, không chỉ giúp trái cây Việt giữ vững được thị trường trong nước mà còn tạo nền tảng để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025