Thị trường

Kì vọng các điều kiện kinh doanh bất cập tiếp tục được bãi bỏ

DNVN - Từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, Việt Nam đã có 2 đợt sóng cải cách rất quan trọng vào năm 2016 và năm 2018, theo đó nhiều điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ và cắt giảm. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn kỳ vọng các điều kiện kinh doanh bất cập, vướng mắc sẽ tiếp tục được bãi bỏ sau đợt tổng rà soát lần này.

Nhiều điểm mới trong điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không / 182 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Sáng 24/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm "Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp: Vướng mắc và kiến nghị" tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định, Việt Nam đã trải qua hai làn sóng cải cách đáng chú ý. Trong đó, làn sóng cải cách năm 2016 tiến hành tổng rà soát các điều kiện kinh doanh, theo đó xóa bỏ các giấy phép con, bãi bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh. Làn sóng cải cách thứ 2 được tiến hành vào năm 2018 với chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Nhưng theo phản ánh của các DN, hiệp hội, ngành hàng chỉ có 30, 40% điều kiện kinh doanh được cắt giảm - thấp hơn con số 50% theo báo cáo trên giấy, đó là chưa kể đến con số cắt giảm thực chất thực tế sẽ ít còn ít hơn nhiều.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Tọa đàm.
Ngày 23/3/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Ngày 10/4, Tổ công tác ban hành Quyết định 823/QĐ-TCT phân công thành viên tham gia các Nhóm rà soát. Trong 11 nhóm rà soát, VCCI phụ trách nhóm rà soát số 1, đó là quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp (DN).
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên viên Ban Pháp chế của VCCI, với nhiệm vụ được giao, VCCI đã rà soát hơn 400 VBQPPL, tiếp nhận, nghiên cứu và sàng lọc gần 800 ý kiến phản ánh từ các hiệp hội, DN gửi về, từ nguồn của Tổ công tác cung cấp. Qua đó, VCCI đã đưa ra 106 kiến nghị; trong đó sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư...
Những phát hiện sơ bộ của nhóm rà soát về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN cho thấy có 3 nhóm rào cản cần thiết phải xem xét và xử lý.
Thứ nhất một số ngành nghề xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa hợp lý, cần phải tiếp tục bãi bỏ.
Thứ 2 các điều kiện kinh doanh dù là hợp lý cần thiết nhưng có nhiều bất cập trong thiết kế các điều kiện kinh doanh, đó là việc can thiệp vào quyền tự quyết của DN, là rào cản bất hợp lý đối với các DN quy mô nhỏ và có thể gia nhập thị trường.
Thứ ba, nhiều thủ tục gia nhập thị trường còn rắc rối, chồng chéo, chưa đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phải tiếp tục đơn giản hóa TTHC trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh.
Tại tọa đàm Luật sư Lê Nết, đại diện Công ty Luật LNT&Parterns đã nêu những vướng mắc trong quy định về tổ chức quản lý, hoạt động của DN. Đó là Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với NĐT nước ngoài, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư của NĐT cũng như hoạt động của DN tại Việt Nam.
"Vì vậy, việc chính thức ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với NĐT nước ngoài là cần thiết", Luật sư Lê Nết khẳng định.
Ngoài ra, còn thiếu quy định về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến đối với ngành, nghề, dịch vụ chưa cam kết; Thủ tục pháp hóa lãnh sự còn rườm rà, phức tạp; Cần quy định tách biệt việc thành lập DN và thành lập dự án; Đối với các ngành nghề chưa cam kết, đồng thời phải xin giấy phép kinh doanh, cơ quan đăng ký phải thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành 2 lần.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, trong Luật Đầu tư năm 2015, và luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 năm 2016 về Danh mục kinh doanh có điều kiện đối với ngành vàng chưa thể thực hiện đúng quy định tại điều luật.
Do đó, ông Bảng kiến nghị cần xuất phát từ quy định của Luật để đề xuất danh mục kinh doanh có điều kiện, không thể ban hành danh kinh doanh có điều khác với quy định của điều luật.
Ông Bảng cũng đề xuất việc sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước không thuộc pham vi điều chỉnh của Luật Đầu tư. Việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất, lưu thông hàng hóa tiêu dùng cần loại bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện.
Tọa đàm cũng nhận được một số ý kiến, kiến nghị từ các luật sư, đại diện các hiệp hội, chuyên gia về những bất cập, vướng mắc, chồng chéo về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ hi vọng rằng, đợt tổng rà soát lần này sẽ xử lý được những điểm chồng chéo, bất cập, xung đột để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc này có thể tạo ra làn sóng cải cách lớn thứ ba ngay trong nhiệm kỳ này, qua đó góp phần cải cách thể chế của Việt Nam.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm