Kinh doanh du lịch thời 4.0: Doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới
DNVN - Xu hướng du lịch và hành vi của du khách hiện nay đã bước sang giai đoạn khách du lịch kết nối với sản phẩm. Họ chủ động cho chuyến đi du lịch từ khâu tìm hiểu điểm đến, đặt dịch vụ… Một giai đoạn mới của kinh doanh du lịch đã được bắt đầu.
Kinh tế - Chủ đề được quan tâm nhiều nhất tại Hội nghị G20 / Họp báo 6 tháng đầu năm Bộ Kế hoạch Đầu tư: Vốn ODA vẫn giải ngân chậm
Theo Báo cáo Chỉ số Thương Mại Điện Tử 2019 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới, quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Trong khi đó, báo cáo Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.
Tại Ngày du lịch trực tuyến 2019 diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng nhận thức được tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với đất nước. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng du lịch trực tuyến và công nghệ thông tin vào các hoạt động du lịch và đạt được hiệu quả tương đối tốt.
Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số điểm đến giúp cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm. Du lịch trực tuyến còn tạo cơ hội để cho tất cả mọi người có thể tham gia, người làm ra dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn.
Dẫn báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới, ông Hưng cho biết: Xu hướng du lịch và hành vi của du khách hiện nay đã bước sang giai đoạn khách du lịch kết nối với sản phẩm. Họ chủ động cho chuyến đi du lịch từ khâu tìm hiểu điểm đến, đặt dịch vụ… Những nhận xét, đánh giá từ chính trải nghiệm của họ được lan rộng nhanh và được những du khách khác tin tưởng hơn. Một giai đoạn mới của kinh doanh du lịch đã được bắt đầu.
Kể về một trải nghiệm trong chuyến du lịch Thái Lan vừa thực hiện, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM nói: "Tôi đã đi du lịch Thái Lan vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm theo tour của một công ty lữ hành chuyên cung cấp các dịch vụ trực tuyến".
Ông Hưng cho biết trong đoàn du lịch có 20 người thì có 6 người là nông dân của tỉnh Kiên Giang.
"Tôi có hỏi các bác đăng ký tour này thế nào? Những người này giơ điện thoại di động lên và nói dễ lắm, chúng tôi ở Kiên Giang đặt tour, đặt xe từ Rạch Giá lên TP.HCM, 7h sáng có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất để đi. Trong thời gian du lịch ở Thái Lan, tôi có để ý, những bác nông dân này còn dùng điện thoại nhiều hơn tôi", ông Hưng chia sẻ.
Theo Chủ tịch VECOM, đây là ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi của xu hướng phát triển trong ngành du lịch hiện nay.
Cùng chung quan điểm, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng du lịch trực tuyến ngày càng phát triển chóng mặt. Tới nay chỉ khoảng 30% khách hàng chọn tour du lịch truyền thống, bởi cách mạng 4.0 đã đưa du lịch phát triển theo xu hướng mới.
Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour. Tại thời điểm này, theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch thì chỉ có 30% người đi du lịch đặt tour còn lại có tới 70% khách đi du lịch theo kiểu tự túc, nghĩa là họ tự đặt phòng, tự thanh toán phương tiện đi lại, đặt vé các khu giải trí… Xu hướng mới này buộc các công ty du lịch cũng phải thay đổi cách kinh doanh từ việc bán tour tại văn phòng hay phải đi đến tận nơi thì bây giờ sẽ thông qua các trang web.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Bình Long, Giám đốc Ban Công nghệ Thông tin Vietravel cho rằng, với việc ứng dụng công nghệ vào du lịch, thời gian qua Vietravel đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách đặt dịch vụ trực tuyến. Để đạt được mục tiêu doanh thu 2019 tăng 40%, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh là xu hướng tất yếu. Ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch.
Hiện hàng triệu người Việt sử dụng các ứng dụng du lịch hàng tháng, nhưng hơn 80% là các ứng dụng nước ngoài như Booking, Agoda, TripAdvisor... Ông Ngô Minh Đức, CEO của Gotadi, nhận định: Ứng dụng đặt các dịch vụ du lịch thừa nhận doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Theo ông Phạm Hải Văn, đại diện Haravan, startup cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để cung cấp dịch vụ online, bởi 60% khách du lịch hiện sử dụng Google Map để tra cứu thông tin về điểm đến, ăn uống, lưu trú. Nếu một khách sạn, homestay không xuất hiện trên mạng là điểm trừ lớn khi không thu hút được khách đến lần tiếp theo, quan trọng hơn là không có thông tin khách hàng.
Tại sự kiện , các chuyên gia đều có chung nhận định, nếu doanh nghiệp chưa nắm bắt tốt xu hướng, hành vi của du khách, điều này sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp. Nội dung đa chiều, tăng tính tương tác, cập nhật theo thời gian thực và kết hợp con người với công nghệ là những xu hướng công nghệ mà doanh nghiệp cần quan tâm để thích ứng với sự sự thay đổi của thị hiếu khách hàng.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo