Thị trường

Kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi cao nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

Việt Nam được nhận định là nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn các nước khác trên thế giới kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa và một số vấn đề xã hội tiềm ẩn khi tình hình trong nước và toàn cầu vẫn còn nhiều bất định.

Nuôi những con 'nghe đã ghê' mang lại nguồn thu 'khủng' cho nông dân / Khế, vải, chanh dây, thanh long Việt hấp dẫn khách châu Âu

kinh-te-2261-1605862905.png

Tỷ lệ tham gia lao động tại Việt Nam đã giảm 2,5% do ảnh hưởng dịch Covid-19. (Ảnh minh hoạ: Int)

Đây là khẳng định của TS. Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB). Dẫn số liệu nghiên cứu của WB, chuyên gia này cho rằng rủi ro về xã hội vẫn còn, cụ thể tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tham gia lao động tại Việt Nam đã lần lượt tăng 1% và giảm 2,5%. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm cũng xuất hiện khi hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm lương và giờ làm thay vì sa thải người lao động.

Đặc biệt, trên 7 triệu hộ gia đình ở Việt Nam rơi vào tình trạng giảm thu nhập trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8/2020 do những thay đổi trên thị trường lao động. Khoảng 500.000 gia đình bị giảm từ 50% thu nhập trở lên.

Trong bối cảnh đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động chưa cho thấy hiệu quả. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đến giữa tháng 8, mới có hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tốc độ giải ngân chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng – bằng 19% quy mô gói hỗ trợ của Chính phủ.

TS. Jacques Morisset cho rằng: “Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định. Việt Nam cần có chính sách và quản lý thuế phù hợp, quản lý hiệu quả hơn đầu tư công, tăng cường tái cấu trúc ngân hàng, cần tiếp tục có chương trình hỗ trợ xã hội có mục tiêu…".

Tuy nhiên, trong ngắn hạn chuyên gia WB cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực: “Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng Covid-19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ việc kiểm soát rất tốt đại dịch. Thách thức tiếp theo sẽ là duy trì và thậm chí nâng cao lợi thế cạnh tranh này bằng cách đảm bảo giảm thiểu rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội bằng những chính sách hiệu quả. Đồng thời, cần nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số và phục hồi xanh”.

 

Dưới góc nhìn của chuyên gia trong nước, PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh mới của dịch Covid-19.

Về cơ bản, các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân bị tổn thương cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu của nền kinh tế, để họ có thể vượt qua được tác động tiêu cực của Covid-19.

Cơ hội thứ hai đối với nền kinh tế Việt Nam đó là trong thời gian tới, các vấn đề liên quan tới dịch Covid-19 đã có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, khi nền kinh tế thế giới tốt hơn, chắc chắn cũng sẽ giúp nền kinh tế trong nước tốt lên.

Tuy nhiên, ông Thành đánh giá nền kinh tế Việt Nam cũng gặp không ít rào cản. Trong đó, các chính sách hiện còn nhiều bất cập. Một số chính sách chưa đưa được đến đúng đối tượng được hưởng và vẫn còn “điểm nghẽn”.

Ngoài ra, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào các yếu tố đầu vào mà chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu.

 

Bên cạnh đó, nguồn lực để giải quyết các vấn đề về dịch Covid-19 hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. "Nghiên cứu của chúng tôi trong thời gian vừa qua cũng đã đánh giá rằng một số gói hỗ trợ của Chính phủ (cả gói số 1 và gói số 2) hiện đang bị “nghẽn” về vấn đề huy động các nguồn lực để có thể cứu trợ, đặc biệt là trong tình trạng tác động của Covid-19 đang rất khó đoán định.Chưa kể, khả năng huy động nguồn vốn, duy trì nguồn lực cho ngành y tế cũng là một thách thức rất lớn”, ông Thành nói.

Nhận định kinh tế trong ngắn hạn, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần phải vượt qua khó khăn từ dịch Covid-19, duy trì quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân. Đây là điểm mấu chốt nhất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm