Lào Cai: Chuối có nhãn hiệu, doanh thu tăng thêm gần 60 tỷ
Vì sao gió hiu hiu là DN xuất khẩu gạo, nông dân trồng lúa ngã bệnh? / Người trồng hoa Đà Lạt canh cánh nỗi lo tắc đường, kẹt xe dịp tết
Hơn 10 năm trồng chuối, trải qua biết bao thăng trầm của nghề nông, cây chuối đã giúp gia đình ông Thào Dìn, ở thôn Na Lốc, xã Bản Lầu cũng như hàng nghìn hộ khác ở huyện Mường Khương thoát được cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu.
Thế nhưng, cũng như câu chuyện “được mùa - mất giá” của vụ dứa năm nay, người nông dân phải “ngậm đắng nuốt cay” bán dứa với giá rẻ để mong thu hồi vốn, thì cây chuối cũng đã có lần trải qua tình cảnh tương tự. Có những năm chuối mất giá, thương lái Trung Quốc thu mua với giá rẻ khiến người trồng chuối lâm vào cảnh lao đao do chi phí đầu tư không hề nhỏ.
Nhóm các sản phẩm chuối được sử dụng nhãn hiệu “Chuối Lào Cai”.
Trồng chuối hơn chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên ông Dìn được tiếp cận với khái niệm về vùng trồng chuối, về chứng nhận sản phẩm và các quy định sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Theo ông Thào Dìn, việc sản phẩm chuối Lào Cai được cấp nhãn hiệu sẽ góp phần giúp sản phẩm chuối của địa phương được nhiều người biết đến, người tiêu dùng không chỉ yên tâm sử dụng mà đầu ra cho sản phẩm cũng được đảm bảo.
Bản Lầu không chỉ nổi tiếng là “vựa dứa” của cả tỉnh mà còn là địa phương có diện tích trồng chuối cấy mô lớn của Lào Cai. Có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên 2 loại cây trồng này ở Bản Lầu sinh trưởng và phát triển rất tốt, tạo điều kiện cho nhiều hộ trong xã phát triển kinh tế, làm giàu, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới cũng như hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của địa phương.
Thế nhưng, do sự phát triển ồ ạt cộng với thị trường tiêu thụ chủ yếu từ phía nước bạn khiến câu chuyện “được mùa - mất giá” thường xảy ra khi đến kỳ thu hoạch. Nhằm bảo vệ thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Lào Cai” cho sản phẩm chuối của tỉnh.
Dự án được triển khai trong 2 năm, từ tháng 3/2017 đến hết tháng 2/2019, bao gồm nội dung đăng ký xác lập quyền bảo hộ cho 3 nhóm sản phẩm: Tinh dầu chuối; chuối sấy, mứt chuối; quả chuối tươi. Những sản phẩm này mang nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Lào Cai”, nhãn hiệu do Sở Khoa học và Công nghệ sở hữu và quản lý. Ngay sau khi dự án thành công, Sở Khoa học và Công nghệ đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các hộ, tập thể trồng chuối tiêu biểu trong tỉnh.
Ông Dương Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Khi sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Nhà nước sẽ cùng nông dân tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý. Có như vậy, sản phẩm chuối trên địa bàn mới tránh được tình trạng “được mùa - mất giá” và phụ thuộc vào thương lái như hiện nay.
Việc nhãn hiệu sản phẩm chuối Lào Cai được bảo hộ đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất, tạo đầu ra, nâng cao khả năng thương mại hóa, tăng thu nhập cho người dân Lào Cai.
Theo tính toán, giá bán chuối sau khi có nhãn hiệu tăng trung bình từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg; nguồn thu từ chuối của người dân trong tỉnh tăng gần 60 tỷ đồng/năm.
Với việc sản phẩm chuối Lào Cai được cấp văn bằng bảo hộ, số văn bằng được cấp nhãn hiệu của tỉnh đã tăng lên 213.
Riêng huyện Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 8 nhãn hiệu. Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ huyện Mường Khương xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm dứa; Sở Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo hộ nhãn hiệu sa nhân tím Mường Khương và chè Ô long Cao Sơn.
Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Việc xây dựng tên tuổi cho các sản phẩm chuối là một trong những hướng đi trọng tâm của huyện, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung. Xây dựng nhãn hiệu bước đầu tuy khó nhưng nếu không xây dựng được nhãn hiệu gắn với đặc sản địa phương thì mặt hàng này khó có thể tự đứng vững ngay tại thị trường trong nước.
Đăng ký nhãn hiệu và quản lý tốt nhãn hiệu là một trong những công cụ để phát triển một sản phẩm trong nền sản xuất hàng hóa có nhiều sự cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là một trong những phương cách để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất hàng hóa có nhãn hiệu và tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm có thương hiệu, từ đó góp phần tạo nên sự phát triển vững bền của sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh