Liên kết nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn Nhật
Quý I/2020, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 115 tỷ USD / Hải quan tìm giải pháp để khơi thông ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc
Nhiều bạn bè bảo Lan "bị điên" khi thấy chị từ bỏ vị trí quản lý lương cao trong văn phòng một ngân hàng lớn ở TP.HCM để chuyển sang bán rau. Khi đó, chị vừa hoàn thành khóa học thạc sĩ 2 năm mà từ đầu đăng ký với mục đích tiến cao hơn trong sự nghiệp ngân hàng của mình.
Bỏ việc ở ngân hàng, đi bán rau
Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, Phạm Thị Bích Lan – Giám đốc Công ty TNHH Rau cười Việt Nhật, năm nay 35 tuổi kể: "Năm 2014, tôi có chuyến thực tập mùa hè ngắn hạn tới Pháp vào cuối khóa học thạc sĩ. Đến Pháp, ra chợ thấy mọi người mua thực phẩm do nông dân bán, người mua cầm rau ăn sống trực tiếp tại chợ. Trong khi ở Việt Nam, mình cũng như mọi người mua rau về phải rửa, ngâm rồi mới dám ăn, thậm chí mình hay dùng cụm từ là “giặt rau” chứ không phải “rửa rau”. Trong suốt nhiều năm, báo đài ở Việt Nam tràn ngập tin tức về thực phẩm bẩn, ngâm hóa chất hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng sức khỏe. Những thông tin về số lượng các ca mắc bệnh ung thư tăng vọt cũng được gắn với các nguyên nhân liên quan tới thực phẩm bẩn".
“Chúng ta sống trong nỗi sợ hãi triền miên bởi thứ ta hấp thụ hàng ngày, trong từng bữa ăn. Tôi trăn trở và đặt câu hỏi tại sao đất nước nông nghiệp của mình lại như vậy, người tiêu dùng và người sản xuất hoàn toàn không thể tin vào nhau. Nhận thấy vấn đề còn tồn đọng về nông nghiệp Việt Nam, nên mới quyết tâm khởi nghiệp. Quay về nước, tôi bỏ ngành ngân hàng để dấn thân làm nông nghiệp. Lúc đó, gia đình ngăn cản, nhưng tôi vẫn quyết tâm và đi đến ngày hôm nay”, Bích Lan nói.
Bắt đầu lên kế hoạch cho hành trình đi tìm nguồn thực phẩm sạch, Lan đi lùng sục khắp những con đường đất đồi lầy lội của vùng Tây Nguyên - nơi vốn được coi là vùng sản xuất rau củ lớn. Chị cố gắng liên hệ với tất cả người trồng rau sạch mà mình tìm được, phần lớn là từ Internet và địa chỉ in trên những nhãn hiệu hữu cơ ở cửa hàng thực phẩm. Lan gặp trang trại hơn 1ha của Công ty Liên kết Nông dân nằm ở ngoại ô TP. Buôn Ma Thuột, do một nhóm kỹ sư nông nghiệp Nhật Bản điều hành. Là một phụ nữ lãng mạn, chị thích thú khi nhìn những cánh bướm dập dờn bay trên những luống rau.
Một kỹ sư người Nhật ở đây giải thích rằng, bướm nở ra từ những con ấu trùng trốn giữa các luống rau. Ở đây không sử dụng thuốc trừ sâu, côn trùng được bắt bằng tay vào mỗi buổi sáng nên các sinh vật vẫn có thể sống và sinh sôi nảy nở. Trang trại áp dụng những phương pháp canh tác nghiêm ngặt, đòi hỏi tập trung nhiều sức lao động và hoàn toàn tự nhiên trên đất Tây Nguyên.
Tuy nhiên, vào thời điểm gặp Lan, nhóm kỹ sư người Nhật đang phải vật lộn trong việc bán sản phẩm. Họ là những người sản xuất nông nghiệp lành nghề, nhưng không phải là những doanh nhân kinh nghiệm. Mọi kiên nhẫn và công sức đầu tư cho canh tác không hóa chất, dù đã tạo được năng suất cao nhưng không đảm bảo được đầu ra ổn định. Lan đặt vấn đề sẽ đảm nhiệm khâu tiêu thụ sản phẩm cho trang trại. Trở về TP.HCM, Lan rút số tiền tiết kiệm thời còn làm ngân hàng, đầu tư thành lập công ty Rau cười Việt Nhật vào năm 2015.
Bán rau hữu cơ với giá 100.000 đồng/kg
Khởi nghiệp kinh doanh rau không dễ. Rau hữu cơ thường không xanh bóng và đẹp mắt như loại rau khác. Khách hàng không ít lần đã nhăn mặt khi nhìn thấy bảng giá.
“Suốt nhiều tháng đầu tiên bày bán, tôi đứng hàng giờ trước quầy Rau Cười ở các siêu thị để thuyết phục người tiêu dùng thử sản phẩm. Nhiều người nhìn mình như thể người trên trời rớt xuống vậy, rau đã xấu mã mà còn bán đắt, giá trên trời. Bởi rau của tôi toàn bán với giá 50-100 nghìn đồng/kg. Nhưng tôi phải bán với giá đó mới đảm bảo được lợi nhuận cho nông dân và các trang trại trồng rau tuân thủ đúng quy trình canh tác hữu cơ”, Lan nhớ lại.
Dần dà, rất nhiều khách hàng đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt của loại rau củ trồng theo tiêu chuẩn Nhật. Họ nói rằng họ ăn thấy vị ngon ngọt và đậm đà, kể cả khi chỉ là rau luộc, thứ hương vị mà từ lâu lắm họ đã không còn được nếm thử. Sau 5 năm ra đời và nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đến nay, Công ty Rau cười Việt Nhật đã có 32 nhân viên, vận chuyển và tiêu thụ khoảng 800kg rau củ, cà chua và các loại đậu mỗi ngày. Sản phẩm của Rau cười Việt Nhật hiện đang được phân phối chủ đạo vào hệ thống siêu thị, cửa hàng Nhật, Hàn, cửa hàng cao cấp tại thị trường Sài Gòn và Bình Dương, như: Aeon Mall, Aeon City Mart, Family Mart, Emart, Coop Xtra, Nam An Market...
Hiện, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm cho trang trại trồng rau hữu cơ của các kỹ sư Nhật Bản ở Buôn Mê Thuột, Công ty còn ký kết bao tiêu sản phẩm cho hơn 50 hộ nông dân trồng rau với vùng nguyên liệu hơn 20ha theo đúng quy trình canh tác hữu cơ tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Đơn Dương (Lâm Đồng).
Phạm Thị Bích Lan chia sẻ, ban đầu thành lập doanh nghiệp riêng, mục đích chỉ là kinh doanh rau hữu cơ. Nhưng đến khi Rau cười Việt Nhật tiếp cận và tham gia chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển (EFD) của Oxfam vào năm 2017, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, chị mới nhìn nhận được sức ảnh hưởng của Công ty. Rau cười Việt Nhật được EFD hỗ trợ các khoá đào tạo về quản trị kinh doanh trên nhiều chủ đề: kinh doanh tạo tác động xã hội, lồng ghép giới trong quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược, chiến lược thương hiệu, phân phối – bán hàng.
“EFD đã kích hoạt được nguồn năng lượng bên trong của tôi, bằng chính tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia, cởi mở của các doanh nghiệp. Chúng tôi cùng nông dân sẽ liên tục học hỏi và ứng dụng phương pháp canh tác hữu cơ tiên tiến trên thế giới; mang đến sức khỏe, niềm vui và lối sống “an nhiên hóa” cho cộng đồng”, Lan bày tỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc