Thị trường

Lo xuất khẩu trễ nhịp trước cơ hội thị trường

Do tác động kéo dài của dịch COVID-19 đợt 4 nên hiện nay, nhiều lĩnh vực xuất khẩu chủ lực dường như đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường khi mà nhu cầu hàng hóa trên thế giới đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu trong các tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh.

Xuất khẩu nỗ lực 'chạy nước rút' cuối năm / TP Hồ Chí Minh: Cung cấp thêm combo đặc sản vùng miền bán cho người dân có nhu cầu

Theo dự báo của giới chuyên gia thì xuất khẩu (XK) thủy sản trong tháng 9/2021 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%.Ngoài ra, với kịch bản từ sau tháng 9/2021, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc xin, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ” thì XK trong 3 tháng cuối năm nay được dự báo sẽ hồi phục nhẹ.

Lo cơ hội trôi qua

Còn hiện tại, giữa bối cảnh kéo dài của dịch COVID-19 đợt 4, nhiều DN trong ngành tôm cho rằng họ đã “trễ nhịp so với cơ hội thị trường”. Tuy nhiên, nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 này để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, nhưng muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay sẽ trôi qua.

HINH-2087-1630492985.jpg

Giữa dịch bệnh COVID-19 đợt 4 kéo dài, các DN xuất khẩu đang lo lắng sẽ bị vuột mất nhiều đơn hàng cuối năm.

Thực tế là từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và XK. Thế nhưng, với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Còn ở lĩnh vực da giày, theo Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt nam (Lefaso), trong tháng 8/2021 kim ngạch XK giày dép đạt 850 triệu USD (giảm đến 38,5% so với cùng kỳ năm trước), còn XK túi xách thì đạt 150 triệu USD (giảm 37,9% so với cùng kỳ năm 2020).

Như chia sẻ từ giám đốc sản xuất của một nhà máy sản xuất giày dép ở Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), lẽ ra các tháng cuối năm sẽ là mùa sản xuất, tiêu thụ giày dép các loại ở thị trường nội địa và XK, nhưng năm nay mọi thứ bị đảo lộn. Vì thế, nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài thì công ty sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng rất nhiều đến đơn hàng.

Vị giám đốc này cũng bày tỏ lo lắng cho các đơn hàng đã ký kết vào cuối năm, nếu dịch bệnh COVID-19 kéo dài, công ty chưa thể khôi phục được sản xuất thì nhiều đơn hàng sẽ bị dịch chuyển qua nước khác.

Phía Lefaso cho biết từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đã ảnh hưởng đến sản xuất của các DN da giày trong các tháng cuối năm 2021.

 

Nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều DN da giày lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “Một cung đường, hai điểm đến”.

Còn tại các địa phương ở miền Trung và miền Bắc, các DN da giày chỉ hoạt động với công suất 50-70%, do giãn cách xã hội và thiếu lao động.

Phụ thuộc lớn vào kiểm soát dịch bệnh

Do đó, Lefaso nhấn mạnh các DN da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất. Điều đáng buồn hơn là các DN bị khách hàng hủy đơn hàng XK, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.

Trong tình hình như hiện nay, hiệp hội này mong là các DN cần tiết giảm chi phí, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lực lượng lao động, để sau khi đại dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất và XK, tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),FTA Việt Nam - EU (EVFTA).

 

Không riêng gì ngành thuỷ sản hay da giày, các DN trong nhiều lĩnh vực XK khác cũng đang lo lắng sẽ bị vuột mất nhiều đơn hàng cuối năm. Với tình hình dịch bệnh đã leo sang tháng 9 này, việc ký kết các đơn hàng lớn với đối tác trong nước và nước ngoài là cả thách thức đối với DN.

Không chỉ vậy, để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp mua sắm cuối năm thì nhiều khách hàng quốc tế khi thấy các DN ở Việt Nam đang chật vật đối phó với dịch bệnh kéo dài (nhất là tại khu vực phía Nam) đã rút bớt đơn hàng sang những quốc gia đang ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 8/2021 vừa qua kim ngạch XK hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 9,7%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,5%.

Có nhiều mặt hàng trong tháng 8/2021 có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 12%), hàng dệt và may mặc (giảm 9,2%), gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,9%, giày dép các loại giảm 38,5%...

Bộ Công Thương bày tỏ băn khoăn khi nhiều DN sản xuất, XK bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

 

Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Trong đó, việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

Do đó, tăng trưởng sản xuất và XK trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm