M&A công nghệ bùng nổ: Mừng hay lo?
DNVN - Giới chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ bùng nổ thời gian qua là rất đáng mừng. Tuy nhiên, hành trình để được công nhận không hề dễ và rất nhiều khó khăn. Do đó, việc M&A tăng là lo hay mừng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Xem xét dùng trí tuệ nhân tạo kiểm soát rủi ro trên dữ liệu hóa đơn điện tử / Du lịch Cần Thơ đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi và phát triển
Giá trị giao dịch lên gần 1 tỷ USD
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư kết hợp cùng Nova Group tổ chức sáng 11/1, các chuyên gia có chung nhận định, dù đại dịch COVID-19 hoành hành, nhưng thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) cả thế giới vẫn tăng trưởng. Với Việt Nam, thị trường M&A tuy giảm nhẹ nhưng với riêng mảng công nghệ có thể nói là bùng nổ.
TS Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cho biết: Lĩnh vực công nghệ ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư. Theo đó, số lượng giao dịch đã tăng gấp đôi trong khi tổng giá trị giao dịch lại tăng hơn gấp ba lần lên đến gần 1 tỷ USD. Ước tính đến hết tháng 10/2021, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ tại nước ta đã đạt giá trị giao dịch vào khoảng 963 triệu USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cả năm 2020.
TS Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cho biết, lĩnh vực công nghệ ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư.
Các giao dịch đáng chú ý như Tiki với vòng gọi vốn 258 triệu USD do Bảo hiểm AIA dẫn dắt, Sky Mavis với vòng gọi vốn 152 triệu USD do Andreessen Horowitz dẫn dắt, Momo với vòng gọi vốn 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt.
Các lĩnh vực công nghệ chính thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trong thời gian vừa qua bao gồm thương mại điện tử, Fintech, Ed-tech, Logistics và tự động hóa kinh doanh.
Mừng hay lo?
Ông Hồ Phi Ân - Giám đốc điều hành Công ty CP EI Industrial cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp, việc M&A trong lĩnh vực công nghệ gia tăng là rất đáng mừng. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận được nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Tuy nhiên, hành trình để được công nhận không hề dễ và rất nhiều khó khăn. Có thể nói rằng, việc M&A tăng là lo hay mừng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
"Các công ty công nghệ có vòng đời nhanh, và khi chúng tôi đã bước ra sân chơi thế giới thì không được phép sợ bị thâu tóm. Nếu mình không đủ giỏi và bị thâu tóm, qua đó giúp công ty phát triển hơn nữa thì là điều bình thường. Bên cạnh đó, như chúng tôi cũng định hướng rằng một ngày nào đó sẽ thoái vốn ra khỏi công ty để theo đuổi các ước mơ, dự án khác", ông Ân nói.
Theo phân tích của ông Ân, về bản chất, doanh nghiệp không sợ bị thâu tóm, mà quan trọng là thâu tóm với mức giá nào?
Ông Hồ Phi Ân - CEO Công ty CP EI Industrial, việc M&A trong lĩnh vực công nghệ gia tăng là rất đáng mừng.
"Với góc độ cá nhân cũng như kinh nghiệm làm việc, tôi thấy rằng các quỹ đầu tư luôn đặt Việt Nam trong tầm ngắm, trong đó nhiều quỹ chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn trong năm 2022, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp B2B. Theo tôi, trong 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất khoảng 5 doanh nghiệp kỳ lân. Và hiện tại, năng lực công nghệ thông tin của Việt Nam đang xếp trong top 4-5 trên thế giới", CEO EI Industrial bày tỏ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Viện trưởng Viện Giáo dục kỹ năng và Trí tuệ sáng tạo nhận định, M&A là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên sân chơi CPTPP.
Việc chống thâu tóm về mặt kỹ thuật không khó, có các giải pháp như cho cổ đông hiện hữu mua cổ phần giá rẻ hoặc cho cổ đông ngoài mua cổ phần với chiếu khấu sâu, hoặc cho cổ đông chuyển cổ phiếu sang tiền mặt.
"Tóm lại, vấn đề quan trọng ở đây là giá bán. Tôi nghiên cứu nhiều M&A trong các lĩnh vực khác như hàng tiêu dùng, và họ thâu tóm theo kiểu liên kết trước, liên kết sau. Vậy trong ngành công nghệ các thương vụ M&A sẽ diễn ra liên kết trước hay sau như thế nào?", chuyên gia Khôi chia sẻ.
Xử lý 5 vấn đề liên quan đến thể chế
TS Võ Trí Thành nhận định, các vụ M&A vừa rồi nhắm vào Việt Nam, nhưng chưa phải thị trường toàn cầu. Đây chính là các giới hạn của các startup, cũng như M&A ở Việt Nam.
Do đó, muốn M&A theo phương diện toàn cầu, phải nhìn lớn và cần phải xử lý 5 vấn đề. Đó là dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề thuế, tích hợp mô hình kinh doanh mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, xử lý tốt vấn đề dữ liệu IPR, đảm bảo vấn đề công nghệ lõi và an ninh quốc gia.
Trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) thừa nhận, quy trình làm luật của Việt Nam còn rất dài, phải mất 5-7 năm để xây dựng thể chế. Do vậy, chính sách lúc nào cũng bị trễ so với thực tế, chưa kể việc vừa ban hành đã phải sửa.
"Chúng tôi cũng rất nỗ lực thay đổi chính sách làm sao để thuận lợi nhất. Từ kinh nghiệm các nước, việc hỗ trợ startup phải cho không hoặc chấp nhận 20% thất bại, nhưng tài chính của Việt Nam chưa cho phép và cũng chưa có thể chế chấp nhận rủi ro. Do đó, cần phải có sự đồng hành của các bộ ngành và hiệp hội để hỗ trợ, tăng sự triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trong các DN", bà Thủy nói.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo