Nắm thông tin không đầy đủ, doanh nghiệp vẫn đưa hàng hóa số lượng lớn lên cửa khẩu giữa lúc ùn tắc nghiêm trọng
DNVN - Theo Tổng cục Hải quan, thông tin ùn tắc hàng hóa đến với các doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái không được đầy đủ và chi tiết khiến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế.
Vĩnh Phúc hướng đến trở thành trung tâm sản xuất ô tô khu vực / NHNN sẽ sớm đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia
Hàng ngàn xe container vẫn chưa được thông quan
Tại buổi họp báo chuyên đề Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc do Tổng cục Hải quan tổ chức chiều ngày 21/12, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát về quản lý hải quan cho biết, lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giảm, chỉ khoảng 300-400 xe/ ngày. Trong khi đó, lượng hàng hoá từ nội địa lên các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn, cộng với năng lực bến bãi có hạn dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tính đến sáng ngày 21/12/2021, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.461 xe (giảm 137 xe so với ngày 20/12/2021).
Cụ thể tại cửa khẩu Hữu Nghị tồn 1.389 xe, tại cửa khẩu Tân Thanh tồn 2.456 xe, tại cửa khẩu Chi Ma tồn 616 xe.
Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát về quản lý hải quan(Tổng cục Hải quan) thông tin về việc ùn ứ hàng hóa chờ thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
"Các khu vực bến bãi tại các cửa khẩu đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả các khu vực tạm sử dụng), ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng thời gian xuất khẩu cũng như tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch và bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển" , ông Tuấn nói.
Theo thông tin Tổng Lãnh sứ quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc tính đến ngày 16/12/2021 tại phía bên kia Trung Quốc, lượng phương tiện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn là 2.400 xe.
Tại tỉnh Quảng Ninh, tính đến đến 21/12/2021, vẫn còn hiện tượng ách tắc phương tiện chở hàng hóa XNK mặc dù đã có sự nỗ lực giải quyết của chính quyền thành phố và các lực lượng chức năng.
Nguyên nhân ùn tắc hàng hóa đến từ hai phía
Theo đánh giá của ông Tuấn, việc ùn tắc hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) và tỉnh Quảng Ninh (Móng Cái) xuất phát cả từ hai phía Trung Quốc và Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế. Có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.
Đặc biệt có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn. Theo đó, yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chìa và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần.
Hàng ngàn xe chở hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn. (Ảnh: VTC)
Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng.
Chính quyền thành phố Đông Hưng có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0h ngày 21/12, thời gian thông quan cụ thể sẽ có thông báo sau.
Về phía Việt Nam, nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.
Từ ngày 1/1/2022, Lệnh số 248 ngày 12/4/2021 và 249 ngày 14/4/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực cũng là nguyên nhân khiến lượng hàng hóa hoa quả, nông sản thực phẩm đổ dồn về các cửa khẩu biên giới phía Bắc chờ xuất khẩu sang Trung Quốc để tránh chính sách của Trung Quốc trước ngày 1/1/2021.
"Khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên", ông Tuấn đánh giá.
Thêm vào đó, thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế.
Cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.
Không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản
Cục trưởng Cục Giám sát về quản lý hải quan cho biết, để kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tránh ảnh hưởng xấu do việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu gây thiệt hại kinh tế, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính tình hình và đề xuất Bộ có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đàm phán, kiến nghị vơi các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu.
Phối hợp với VCCI và thông qua các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cả trên bao bì chứa đựng hàng hoá. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hoá, đảm bảo không có vi rút COVID-19.
Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan kiến nghị tiếp tục, thường xuyên đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch, xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Đàm phán, thống nhất với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn 2 nước đẩy mạnh phòng dịch COVID - 19, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản, hoa quả như thời gian vừa qua.
Đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị...
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Cột tin quảng cáo