Thị trường

Nền kinh tế duy trì đà chuyển biến tích cực

(DNVN) - Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020), được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu vào sáng 22/10, đã nêu rõ những chuyển biến tích cực cũng như một số hạn chế, tồn tại của nền kinh tế.

Đề xuất cắt giảm thêm 202 điều kiện kinh doanh / Những trường hợp nào được cấp miễn phí hóa đơn điện tử?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và giám sát kịp thời, hiệu quả của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
Đặc biệt, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm. Đó là các chỉ tiêu: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; Bội chi ngân sách nhà nước; Năng suất nhân tố tổng hợp TFP; Năng suất lao động xã hội bình quân/năm; Tỷ lệ đô thị hóa; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị; Giường bệnh/1 vạn dân; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân; Tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh của dân cư nông thôn; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý.
Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 03 năm CPI bình quân đạt dưới 4%; điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; nợ công giảm, còn khoảng 61,4% GDP năm 2018.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh: VPQH)

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh: VPQH)

Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, thu Ngân sách nhà nước đạt khá, vượt dự toán hằng năm, bảo đảm mục tiêu ngân sách nhà nước và nợ công.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao, đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng. Tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân năm 2018 ước đạt 42,4%, cao hơn năm 2017 (40,6%), năm 2016 (38,9%) và bình quân giai đoạn 2011-2015 (38,3%).
Giải ngân vốn FDI đạt khá. Năm 2018 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2017. Năm 2017, giải ngân vốn FDI 17,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Xuất khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại xuất siêu trong 3 năm liên tiếp. Xuất khẩu năm 2017 đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, xác lập kỷ lục lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD; năm 2018 ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017, vượt mục tiêu Quốc hội giao (7-8%), cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cải thiện, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm có chất lượng, giá trị cao.
Tốc độ tăng GDP bình quân 03 năm ước đạt khoảng 6,57%, đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 42,2%, năng suất lao động tăng khoảng 5,6%, cao hơn giai đoạn 2011-2015. Đóng góp của TFP giai đoạn 2011-2015 là 33,58%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 4,3%/năm.
Các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tạo động lực cho tăng trưởng, trong đó, nổi bật nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng liên tục ở mức 2 con số, xuất khẩu nông sản vượt mục tiêu của kế hoạch 5 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, ước năm 2018 đạt 15 triệu lượt khách.
Cụ thể, Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 tăng 11,9%; năm 2017 tăng 14,5%, 9 tháng 2018 tăng 12,9% và ước cả năm 2018 tăng 13,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 tăng 11,9%; năm 2017 tăng 14,5%, 9 tháng 2018 tăng 12,9% và ước cả năm 2018 tăng 13,6%.
Cơ cấu lại nền kinh tế dịch chuyển tích cực, tỷ trọng của khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng; Thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Nhờ đó, tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục khởi sắc, ước đạt khoảng 367 nghìn doanh nghiệp giai đoạn 2016-2018; phát triển hợp tác xã đạt nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tồn tại và hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để; tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm.
Cùng với đó, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ.
Đặc biệt, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc; dư địa thu NSNN, đặc biệt là thu ngân sách trung ương khó khăn; tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, xuất khẩu nông sản chưa thực sự bền vững.
Trong nửa cuối nhiệm kỳ, Chính phủ đánh giá rằng, với xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố và kết quả tích cực đã đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều đó khiến nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động trong tương lai.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm