Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng đáng khích lệ
DNVN - Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng rất khích lệ, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Cục Hàng không "tuýt còi" các hãng bán vé máy bay nội địa / VN-Index hồi phục, cổ phiếu họ dầu khí tăng trần
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Bình luận về số liệu này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, mức tăng 4,45% của giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cao hơn so với cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng 6,05% trong 9 tháng năm 2021.
"Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng hết sức khích lệ, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế", ông Đỗ Thắng Hải nói.
Về chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 ước tính tăng 5% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,4% so với tháng trước nhưng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm sản xuất kim loại, sản xuất xe có động cơ, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất trang phục tăng 6,1%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2021 tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,3%).
Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tại một số tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam… là các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp bị tạm dừng hoạt động khiến cho sản lượng hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có tác dụng, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc. Từ tháng 10/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong những tháng cuối năm này, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số vật liệu cơ bản nhằm từng bước chủ động nguồn linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào trong nước phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo