Cổ phiếu trong nhóm dệt may được xem là thích hợp cho hoạt động mua vào tích lũy trong các nhịp điều chỉnh hơn là "mua đuổi" ở các vùng giá cao.
Thị trường chứng khoán đang cho thấy những tín hiệu chững lại sau nhịp phục hồi hơn 50 điểm. Phiên vừa qua, chỉ số VN-Index kết phiên đỏ nhẹ, giảm 1,38 điểm. Đáng chú ý là thanh khoản tăng mạnh hơn 30% so với phiên trước đó, đạt hơn 15.600 tỷ đồng. Điều này cho thấy cung cầu đã gặp nhau nhiều hơn ở vùng giá hiện tại, hoạt động chốt lời ngắn hạn cũng diễn ra sôi động hơn.
Các nhà đầu tư ngoại cũng mua - bán đan xen, giá trị bán ròng hơn 200 tỷ đồng. Chiều mua ghi nhận MSN, TCB tiếp tục được mua gom từ 30 -80 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại tiếp đà bán ra VCB của Vietcombank, MWG và FPT. Dễ nhận thấy, khối ngoại có xu hướng mua, bán khá chọn lọc và thường tập trung gom các mã đang có mức định giá tương đối hấp dẫn trong dài hạn.
Trong bối cảnh các cổ phiếu phổ biến ở nhóm ngành lớn như Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán… chưa có nhiều biến động, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu đơn lẻ, có câu chuyện riêng. Ngoài VTP, VGI của nhóm Viettel hay FPT, LPB đã tăng vượt trội trên thị trường từ đầu năm tới nay, BVH của Tập đoàn Bảo Việt bật tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp. Tập đoàn này thông báo, ngày 20/12 tới đây dự kiến sẽ chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỉ lệ hơn 10%. Tính theo tỷ lệ sở hữu, cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính sẽ nhận về gần 500 tỷ đồng tiền cổ tức. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác trong ngành là Tổng công ty Bảo hiểm Quân Đội dự kiến chào bán hơn 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn và phát triển hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ gắn với thời điểm cuối năm như bán lẻ, xuất khẩu cũng được nhà đầu tư quan tâm. Nhóm cổ phiếu Dệt may thậm chí nhận được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đơn hàng nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Quý III vừa qua, ngành dệt may Việt Nam cũng đã ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đạt mức cao, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý III đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuyển thêm lao động mới, huy động công nhân làm thêm giờ, doanh nghiệp này đang tìm mọi cách để sản xuất hết những đơn hàng đã ký với khách nước ngoài, trong khi đó đơn hàng mới vẫn gia tăng. Doanh nghiệp cho biết đã kín đơn hàng đến hết tháng 1 năm sau.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Dự kiến năm 2024, chúng tôi cũng sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu kế hoạch đề ra là tăng trưởng là 7 % so với cùng kỳ của năm 2023".
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ước tính kim ngạch xuất khẩu cả ngành năm nay sẽ đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm ngoái. Theo Các chuyên gia, có được kết quả này là do nhu cầu cao điểm dịp cuối năm, giá cước vận tải biển giảm, sự dịch chuyển đơn hàng. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ còn được hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá.
Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định: “Xu hướng chi phí tài chính giảm, cộng với việc tỷ giá thuận lợi cũng sẽ góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng mạnh của lợi nhuận ngành dệt may trong quý IV năm nay. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam vẫn tiếp tục do các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đều có chính sách đa dạng hóa nguồn hàng xuất khẩu”.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Chuyên gia tư vấn đầu tư nêu ý kiến: “Giai đoạn quý IV và năm sau theo thông tin tôi tìm hiểu, ngành dệt may nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6 năm sau. Có nghĩa rằng là chúng ta có ba quý tiếp theo để kỳ vọng vào nhóm ngành này. Đó là yếu tố về tương lai, chúng ta đầu tư thì phải nhìn vào tương lai”.
Nhìn chung, các cổ phiếu ngành dệt may đang nhận được một số yếu tố mang tính chất hỗ trợ trong ngắn hạn. Sau nhịp phục hồi vừa qua, mức định giá của cổ phiếu trong nhóm dệt may đang ở vùng hợp lý. Do vậy, theo các chuyên gia, đây là nhóm cổ phiếu được xem là thích hợp cho hoạt động mua vào tích lũy trong các nhịp điều chỉnh hơn là "mua đuổi" ở các vùng giá cao.
Theo VTV