‘Siết’ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy kinh tế
Các luật mới sắp có hiệu lực: Thúc đẩy đầu tư công, tín dụng và bất động sản / Sửa đổi 5 nhóm chính sách tại Luật Đầu tư công
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 542/TB-VPCP, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp Tổ công tác số 5 về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan và địa phương.
Thông báo nêu rõ năm 2024 mang ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc để thực hiện các mục tiêu của Đại hội XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2025. Trong đó, đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2024.Phó Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực của một số địa phương đạt kết quả giải ngân tốt như Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp... Những kết quả này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với trung bình cả nước.
Các nguyên nhân chủ yếu bao gồm: việc áp dụng các chính sách pháp luật chưa hiệu quả, hạn chế trong công tác quản lý dự án và năng lực chủ đầu tư, khó khăn về thủ tục pháp lý, chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xác định nguồn gốc đất đai. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, dẫn đến sự lúng túng ở nhiều khâu triển khai.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vướng mắc
Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% trong năm 2024, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ. Các đơn vị cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, tập trung xử lý khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc.
Các tổ công tác do lãnh đạo địa phương phụ trách cần tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc tiến độ thực hiện. Đồng thời, cần rà soát và điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án khả thi hơn theo quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Những cán bộ yếu kém cần được thay thế và các hành vi tiêu cực, tham nhũng phải được xử lý kiên quyết.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần được tăng cường để tham mưu các giải pháp phù hợp, đồng thời quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA.
Ưu tiên giải phóng mặt bằng, ổn định giá vật liệu
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, các địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm không để tình trạng dự án chờ mặt bằng. Các vấn đề liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu cũng cần được giải quyết kịp thời, đồng thời công bố giá vật liệu xây dựng một cách rõ ràng, minh bạch.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu huy động các lực lượng chính trị - xã hội và chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho đơn vị thi công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ theo dõi sát tiến độ giải ngân, tổng hợp các vướng mắc trong thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, các bộ ngành khác như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng và sử dụng hiệu quả Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1006/QĐ-TTg thành lập 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tổ công tác số 5 do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan trung ương: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các địa phương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Langfarm Center: Điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm mới lạ của Đà Lạt
‘Thúc’ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội
Giá vàng ngày 5/1/2025: SJC dao động quanh mức 85 triệu đồng/lượng
Giá ngoại tệ ngày 5/1/2025: USD giảm tốc sau chuỗi tăng trưởng mạnh
Giá nông sản ngày 5/1/2024: Cà phê ổn định, hồ tiêu tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 5/1/2025: Biến động tăng trên cả ba miền