Người dân TP.HCM đổ xô mua hàng tích trữ, giá thực phẩm tăng mạnh vẫn "cháy hàng"
Cần giải pháp hạn chế nhập siêu lâu dài / TP.HCM khẳng định: Không thiếu hụt thực phẩm, người dân không nên đổ xô đi mua sắm
Giá thực phẩm tăng mạnh vẫn “cháy hàng”
Đến đầu giờ chiều 8/7, tại một số chợ, điểm bán lẻ xung quanh chợ ở TP.HCM như: Chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp); chợ Tân Hưng, chợ Nam Hoà (quận Tân Bình); chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)… lượng khách hàng đến mua sắm đông hơn nhiều so với những ngày trước. Theo ghi nhận, giá các loại thịt, cá, rau, củ đều tăng mạnh.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Thanh Thảo (quận Phú Nhuận) vội vàng đi mua hàng thực phẩm thiết yếu để dùng trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Chị Thảo cho biết: "Sáng nay tôi ra muộn không còn tí cá, thịt nào. Nghe các tiểu thương ở chợ Phú Nhuận nói chiều nay hàng cá, thịt sẽ nhập về lại vì vậy trưa nay tôi tranh thủ đi mua, nhưng không ngờ đến chợ không khí mua bán đã tấp nập".
“Mới đầu giờ chiều, mà rất nhiều quầy thịt bò, thịt heo, cá hết hàng. Tranh thủ lắm tôi cũng mua được 5kg thịt heo, hy vọng có thể cầm cự đến khi thành phố hết giãn cách”, chị Thanh Thảo nói.
Giá rau, thịt, cá tại các chợ TP.HCM đồng loạt tăng mạnh trước ngày giãn cách xã hội.
Tương tự, chị Ngọc Hân, ngụ quận Tân Phú cho biết, do chợ Tân Hương (quận Tân Phú) đóng cửa nên người dân quanh vùng chủ yếu mua hàng ở siêu thị. Nhưng từ hôm qua đến giờ, siêu thị đông nghịt người, có nơi xếp hàng dài hàng chục mét nên chị mua hàng online trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, giá thực phẩm bán online cũng tăng chóng mặt: “Mướp giá 48.000 đồng/kg, khổ qua 60.000 đồng/kg. Tôm tươi bình thường dao động từ 150.000 -160.000 đồng/kg nay tăng tới 250.000 đồng/kg, gà sống cũng tăng lên 100.000 đồng/kg”, chị Hân cho hay.
Còn chị Nguyễn Thị Minh Thư (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, bình thường cách vài ngày mới chị mới đi chợ một lần để mua thực phẩm cho cả gia đình. Sáng nay ra đến chợ, chị tá hoả khi nhiều mặt hàng đã hết sạch dù chợ chỉ vừa mở được vài chục phút.
"Từ trước đến nay tôi đều đi chợ, may mắn chợ gần nhà chưa đóng cửa nên vẫn có thể đi mua rau, thịt, cá tươi về dự trữ. Mới mua được vài loại như mồng tơi, bắp cải, bí đỏ và cá mà hết gần 200.000 đồng rồi. Không chỉ vậy, giá các loại thịt như sườn non, ba rọi rút xương lên mức 250.000 đồng/kg thay vì 170.000 như trước, nạc vai 180.000-200.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000 đồng/kg; tôm 250.000 đồng/kg; cá nục 140.000 đồng/kg... Biết là thực phẩm bị đẩy giá cao nhưng vẫn phải mua một ít để trong nhà, phải tự lo cho gia đình mình trong những ngày giãn cách sắp tới“, chị Thư nói.
Các quầy thực phẩm tươi sống trong siêu thị ở TP.HCM dần vơi khi lượng người đến mua sắm tăng đột biến.
Lý giải cho việc tăng giá này, nhiều tiểu thương có cùng câu trả lời, do chợ đầu mối đóng cửa, hàng về khan hiếm, quá trình vận chuyển thịt, cá tươi sống trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, dù giá bị đẩy lên cao vẫn “cháy hàng”.
"Do chợ đầu mối đóng cửa, thương nhân tại các chợ, chủ quán ăn ồ ạt đến mua nên các thương lái đẩy giá. Tôi nhập giá cao nên cũng phải bán giá cao theo", chị Nguyệt, bán rau sát chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp) nói.
Vẫn có thể đi chợ, siêu thị trong thời gian giãn cách xã hội
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đang trở nên phức tạp, hơn nửa chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối của thành phố đã phải tạm ngưng hoạt động. Thực trạng này khiến người dân hoang mang lo lắng về nguồn cung hàng hóa, giá cả thực phẩm trong những ngày giãn cách xã hội sắp tới.
Trước thực trạng này, tối ngày 7/7, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Người dân vẫn được ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp...
Cũng trong chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định, thành phố không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM đảm bảo có đầy đủ thực phẩm cho người dân dùng trong thời gian dài.
Cụ thể, thành phố đã tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng.
Thành phố cũng phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm: 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương.
Trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố cũng sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.
Hiện TP.HCM vẫn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động, kèm theo là 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tại các quận huyện cũng bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ giúp cho người lớn tuổi với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội thanh niên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024