Nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới sáng tạo để hội nhập quốc tế
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nông dân, doanh nghiệp và nhà nước phải vượt qua được thể chế, phải thực sự chủ động đổi mới sáng tạo để hội nhập.
Để nông sản thâm nhập vào EU: Biết mình, biết người / Xuất khẩu của khối DN trong nước: Động lực tăng trưởng không đến từ nhóm nông sản
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khi hội nhập quốc tế ngoài ý nghĩa to lớn về việc mở cửa thị trường thì nó còn có ý nghĩa to lớn cả về thể chế.
Thay đổi công nghệ sản xuất
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình ông Trần Mạnh Báo khẳng định, để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên sân chơi CPTPP và EVFTA, vấn đề mà Việt Nam cần lúc này là thay đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt mà các thị trường này đề ra.
“Đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra cơ hội cho ngành nông nghiệp hội nhập. Trong đó, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới”, ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia nông nghiệp đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của đổi mới sáng tạo nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập mới. Theo đó, với nền sản xuất với hơn 10 triệu hộ cùng quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, Việt Nam khó lòng cạnh tranh với các thị trường khác trong CPTPP hay EU. Yêu cầu đặt ra là phải đổi mới phương thức và nâng cao năng suất cũng như chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp.
Nói như Chuyên gia TS Lê Thành Ý, Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam: “Thực tế phát triển đòi hỏi hệ thống đổi mới sáng tạo của ngành phải mở rộng nhanh các sáng kiến nhằm nâng cao năng suất, tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”.
Trong đó, hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đổi mới sáng tạo là sự cần thiết để cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu, tạo tác động và hiệu ứng lan tỏa rộng lớn của ngành. “Sự hợp tác này còn là kênh quan trọng để nâng cao hiệu quả nguồn kinh phí công được sử dụng trong hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp”, TS Lê Thành Ý nhấn mạnh.
Phân tích kỹ hơn về đổi mới sáng tạo nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập mới, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong bối cảnh hội nhập EVFTA và CPTPP, yêu cầu phải tiến lên xây dựng kinh tế hợp tác, liên kết lại với nhau để kết nối với doanh nghiệp.
Theo đó, các mặt hàng chủ lực, mặt hàng tỷ đô phải xây dựng chuỗi giá trị: đầu sản xuất phải hình thành các vùng chuyên canh, lõi sản xuất phải có các nhà máy, các trung tâm logistics, các trung tâm về dịch vụ hậu cần, viện nghiên cứu của các trường đại học,… để đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản. Khi đó mới đảm bảo được đầu ra cũng như chất lượng và nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.
“Chúng ta cần chớp thời cơ này, phải đổi mới từ khâu quản lý, công nghệ sản xuất hiện đại,… bởi chỉ có đổi mới, sáng tạo thì mới thành công. Thay đổi không chỉ nói xuông, hay là các khẩu hiệu, mà chúng ta phải xây dựng được các thể chế và phải vượt qua được thể chế để hội nhập”, TS Đặng Kim Sơn khẳng định.
Đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra cơ hội tốt để các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu
Đổi mới từ nông dân đến cơ quan quản lý
Trên thực tế, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận sự thành công bước đầu của mô hình hợp tác công tư (PPP) ở nhóm các mặt hàng chủ lực với nhiều chuỗi như cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu và gia vị, lúa gạo và hóa chất nông nghiệp.
Các chuỗi này phát triển theo hướng chuỗi giá trị liên kết bền vững như chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi cà phê của Néstle, chuỗi chè của Unilever… Đồng thời, kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế như 4C, UTZ, Rainforest Alliance... để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao. Đến nay, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến.
Tuy nhiên, lỗ hổng pháp lý lại là rào cản khiến mô hình này chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào phát triển ngành nông nghiệp. Do đó, các chuyên gia nông nghiệp khẳng định, hội nhập không chỉ mở cửa thị trường mà còn cả thể chế. Bởi nó liên quan tới rất nhiều các vấn đề như tổ chức lại lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu công, các vấn đề của nhà nước, doanh nghiệp,...
“Vì vậy, không chỉ có các doanh nghiệp phải thay đổi hành vi mà các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi, nhất là các cơ quan quản lý, sau đó tới tất cả hơn 10 triệu hộ nông dân, cũng phải thay đổi”, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, yêu cầu về tìm hiểu thông tin, tiêu chuẩn thị trường, cũng như các quy định của hiệp định là tiên quyết. Đồng thời, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn”, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết.
Theo Dương Thành - Bảo Loan/enternews.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo