Marcom

Nông sản Đồng bằng sông Cửu Long làm gì trước xu hướng kinh doanh trực tuyến?

Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang có những chuyển động nhằm đưa nông sản của mình lên các sàn thương mại điện tử như một cách để nâng sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

'Cuộc đua' ví điện tử: Đường dài mới biết 'ngựa' hay / Lo ngại đạo đức trong kinh doanh thương mại điện tử

Cách đây 3 tháng, Câu lạc bộ Đặc sản Đồng Tháp đã bắt tay cùng sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki để mở gian hàng “Đặc sản Đồng Tháp” trên sàn này.

Chuyển động theo xu hướng mới

Trên 135 sản phẩm đặc sản của hơn 20 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất của Đồng Tháp đã được giới thiệu rộng đến người tiêu dùng cả nước, nhất là các đặc sản như trà lá sen, trái cây sấy, mứt trái cây sấy, hủ tiếu khô, nước mắm, tinh dầu, nhang sen, nón lá sen…

HINH-6105-1608285729.jpg

Trái cây vùng ĐBSCL có triển vọng lớn trên các sàn giao dịch mới.

Sau đó, thông tin về các sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp trên Tiki vẫn được tiếp tục duy trì và do Câu lạc bộ Đặc sản Đồng Tháp quản lý, trực tiếp cập nhật.

Ngoài ra, câu lạc bộ này còn hướng đến hỗ trợ các DN, cơ sởsản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm đặc sản trong tỉnh hoàn thiện hơn về hình ảnh sản phẩm, các hồ sơ, giấy tờ liên quan… để đưa sản phẩm lên các trang mạng trực tuyến.

Chia sẻ tại cuộc họp báo Diễn đàn Mekong Connect 2020 (diễn ra ngày 21/12) để bàn về phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa lưu ý các sàn TMĐT đang đòi hỏi các DN ĐBSCL cung cấp sản phẩm theo 4 tiêu chuẩn chính: đồng bộ, quy mô, chất lượng và giá cả. Đây là thách thức của các DN vùng ĐBSCL.

Theo ông Nghĩa, các sản phẩm nông sản hữu cơ của Đồng Tháp hay Bến Tre, An Giang, Cần Thơ như mít, dừa, đường thốt nốt, trái cây… đang có triển vọng lớn trên các sàn giao dịch mới ở kênh trực tuyến.

Chủ tịch Đồng Tháp có cho biết thêm là đã thảo luận với các sàn về thanh toán điện tử trong việc buôn bán hàng hoá nông sản, cũng như thúc đẩy chương trình bán sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) qua kênh TMĐT.

 

Thời gian qua, một số địa phương của vùng ĐBSCL đã tập trung đẩy mạnh phát triển TMĐT để nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản. Nhiều DN ở vùng này đã biết tới việc ứng dụng các sàn, mạng xã hội và website để kinh doanh trực tuyến.

Đại diện sàn TMĐT Lazada cho biết, có khá nhiều lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL từng liên hệ trực tiếp với sàn để triển khai dự án tại địa phương của họ với kỳ vọng tăng doanh số tiêu thụ đặc sản vùng miền và đưa sản phẩm đến nhiều quốc gia khác.

Ở Bến Tre, một thống kê cho thấy, trong 3 năm trở lại đây đã tập trung cho TMĐT, đạt doanh số ở top đầu khu vực ĐBSCL. Hồi năm ngoái, người dân tỉnh này đã mua đến hơn 10.000 đơn hàng trên các sàn TMĐT.

Vượt qua những giới hạn

Một số DN của Bến Tre khi mới gia nhập thị trường cũng đã chọn kinh doanh trực tuyến và siêu thị là kênh tiêu thụ chính. Chẳng hạn như CTCPphát triển thực mỹ phẩm VFARM (có trụ sở tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành) đã tạo nhiều loại mỹ phẩm từ trái dừa và được đưa lên tiêu thụ trên sàn Amazon.

 

Trong 3 năm qua, tỉnh Bến Tre cũng đã hỗ trợ 50 DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng website TMĐT. Hơn 50 DN, cửa hàng bán lẻ còn được hỗ trợ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh và nhiều DN được trợ giúp để tham gia sàn giao dịch điện tử như Lazada, Alibaba, Amazon…

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh này đang chú trọng phát triển thương hiệu gắn với khoa học công nghệ, chuyển đổi, trong đó có việc chú trọng đưa hàng hoá nông sản lên các sàn TMĐT. Tới nay, cả tỉnh đã có 25 DN tham gia có hiệu quả trong các sàn TMĐT.

Có thể nói, để đưa nông sản vùng ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu cần đẩy mạnh thương mại hóa nông sản. Và một trong những vấn đề không thể thiếu là bắt mạch xu huớng thị trường, trong đó có xu hướng mua sắm trực tuyến, nhằm định hướng tốt cho đầu ra nông sản.

Điều này đòi hỏi các DN trong ngành hàng nông sản ở ĐBSCL cần ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa.

Riêng với việc đưa nông sản ĐBSCL có thể xuất khẩu hiệu quả qua kênh TMĐT xuyên biên giới, giới chuyên gia cho rằng muốn làm được điều đó thì các DN trong vùng phải có hiểu biết tốt, tự tìm tòi và nâng cao những công cụ đặc thù của các sàn TMĐT toàn cầu.

 

Đặc biệt, môi trường kinh doanh trực tuyến xuyên quốc gia có phương thức vận hành hoàn toàn khác biệt so với cách thức xuất khẩu truyền thống. Cho nên, các DN kinh doanh nông sản cần có một đội ngũ chuyên biệt hiểu về các sàn TMĐT toàn cầu để thích ứng tốt nếu không muốn gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử như việc đưa mặt hàng nông sản của ĐBSCL lên Amazon. Theo giới chuyên gia, điều quan trọng là DN cần có chính là sự tự tin về tiềm năng phát triển của những mặt hàng đó. Từ sự cạnh tranh đến nhu cầu của khách hàng, DN cần chắc rằng mình sẽ đều có thể đáp ứng. Có như vậy, DN mới có thể trụ vững ở thị trường Amazon vốn đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần rủi ro.

Bên cạnh đó, TMĐT xuyên biên giới đòi hỏi tính tương tác cao, trong khi đa phần nhà bán hàng nông sản ở vùng ĐBSCL vẫn thuộc quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, nên việc tương tác này có những giới hạn nhất định và cần khắc phục trong thời gian tới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm