Thị trường

Nuôi cá lồng hồ Hòa Bình - hướng phát triển bền vững

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng khu vực lòng hồ Hòa Bình được tỉnh xác định là hướng đi hiệu quả trong khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng hồ theo hướng bền vững.

Tuyên Quang: Nhiều HTX, tổ hợp tác tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi trâu / Quảng Trị: Nuôi cá lóc đầu nhím ở bể xi măng, thu hàng trăm triệu

Năm 2014, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện sông Đà giai đoạn 2014- 2020. Ngay sau đó 1 năm, tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện sông Đà giai đoạn 2015 - 2020…
HTX dịch vụ sản xuất - kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương (Đà Bắc) phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX dịch vụ sản xuất - kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương (Đà Bắc) phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ đó, trong những năm gần đây, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên vùng hồ Hòa Bình có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp, HTX có điều kiện mở rộng loại hình nuôi cá lồng khu vực vùng hồ Hòa Bình. Một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nuôi cá theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện ATVSTP, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị như: Công ty Cường Thịnh, Công ty Minh Phú, Công ty Hải Đăng... Đối tượng nuôi tập trung vào các loại cá sông Đà đã có thương hiệu như: chiên, lăng, tầm, trắm đen, bỗng, chép... cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, có chỗ đứng trên thị trường.

Theo anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cường Thịnh, nắm bắt thời cơ, lợi thế từ vùng hồ, Công ty đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực thủy sản với thương hiệu "Cường Thịnh Fish”. Theo đó, tập trung nghiên cứu, đầu tư và khai thác thủy sản tại lòng hồ Hòa Bình; chủ động đầu tư mô hình quy chuẩn với quy mô 250 lồng, theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN, VietGAP…

Cùng với phát triển nuôi cá lồng trên quy mô lớn, Cường Thịnh Fish còn chia sẻ hợp tác với các HTX, hộ gia đình trong từng công đoạn: con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc và đặc biệt là bao tiêu đầu ra. Mỗi năm, Công ty Cường Thịnh cung cấp hàng nghìn tấn cá các loại cho các siêu thị và nhà bán buôn trên toàn quốc.

HTX dịch vụ sản xuất - kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương (Đà Bắc) có khoảng 20 hộ tham gia, quy mô 50 lồng cá, sản lượng 300 tấn/ha. Toàn xã Hiền Lương hiện có khoảng 300 lồng, chuyên nuôi các loại cá đặc sản như: lăng đen, lăng vàng, lăng chấm, ngạnh, tầm; các loại cá truyền thống như: trắm, chép, rô phi. Đây vốn là những loài thủy sản "đặc trưng” trên lòng hồ sông Đà.

Xã Tiền Phong (Đà Bắc) cũng là địa phương điển hình trong phát triển nuôi cá lồng. Xã có 10/13 xóm vùng ven hồ đều nuôi thả cá trên khu vực hồ, đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Toàn xã hiện có gần 800 lồng cá với khoảng 300 hộ tham gia phát triển nghề nuôi cá lồng, ước tính mỗi lồng cá có thể thu về từ 20 - 30 triệu đồng/năm.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 4.250 lồng nuôi cá, tập trung chủ yếu tại khu vực hồ Hòa Bình; gần 40 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi cá lồng trên quy mô lớn. Có 2 doanh nghiệp đầu tư nuôi thả hơn 200 lồng theo công nghệ tiên tiến với các loại cá đặc sản cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Các doanh nghiệp, hộ gia đình không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tập trung nuôi thả các loài cá đặc sản cho năng suất cao, chất lượng tốt. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo tiêu chuẩn VietGAP…

Tận dụng lợi thế sẵn có của hồ thủy điện Hòa Bình với diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm. Điều này góp phần tích cực vào sự phát triển KT - XH địa phương, từng bước xây dựng được thương hiệu, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm