Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam, cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Hỗ trợ tín dụng với doanh nghiệp mua lúa gạo / Việt - Lào ký hiệp định hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ
Xe Thái Lan, Indonesia tiếp tục soán ngôi đầu
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2019 cả nước nhập khẩu tới 11.658 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá đạt gần 274 triệu USD.
Lượng xe nhập khẩu tăng gấp 47 lần so với cùng kỳ năm 2018 (tháng 1/2018 chỉ có 247 chiếc), cao gần gấp 2 lần mức bình quân khoảng 6.800 xe/tháng của năm 2018.
Như vậy, kể từ tháng 9/2018, đây là tháng thứ 5 liên tiếp sản lượng ô tô nhập khẩu đạt từ 10.000 xe/tháng trở lên. Đây là dấu hiệu rất sáng sủa đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nói riêng và thị trường ô tô của Việt Nam trong năm 2019 nói chung.
Cũng theo thống kê, lượng xe nhập khẩu trong tháng 1 chủ yếu là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 7.862 chiếc, chiếm tỷ trọng hơn 67%; ô tô tải với 3.452 chiếc, chiếm tỷ trọng 30%; còn lại là ô tô trên 9 chỗ ngồi và xe chuyên dụng.
Về thị trường nhập khẩu, đứng đầu vẫn là Thái Lan với 7.345 xe, Indonesia đứng thứ hai với 2.761 xe. Như vậy, riêng 2 thị trường này chiếm tới gần 87% tổng lượng xe nhập khẩu cả nước.
Lượng xe nhập tăng cao trong tháng đầu năm cũng đã góp phần làm cho ngân sách hải quan một số địa phương tăng lên. Nhiều nhất phải kể đến Cục Hải quan TPHCM. Tính đến ngày 14/2, Cục Hải quan TPHCM thu ngân sách đạt 11.668 tỷ đồng, bằng 10,72% chỉ tiêu giao (108.800 tỷ đồng).
Trong đó, tháng 1/2019 số thu ngân sách tăng 20% so với cùng kỳ 2018 nhờ kim ngạch nhập khẩu tăng 272 triệu USD so với cùng kỳ 2018. Riêng mặt hàng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi tăng 21,6 triệu USD (cùng kỳ 2018 chỉ đạt 152 ngàn USD).
Ngoài ra, một số mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu lạc quan trong công tác thu ngân sách và nghiệp vụ thuế xuất nhập khẩu (XNK) của Cục Hải quan TP.HCM trong năm 2019.
Tuy nhiên, theo Cục Hải quan TP.HCM, dự kiến từ tháng 3/2019, Nghị định của Chính phủ ban hành biểu thuế FTA CPTPP và Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/1/2019 của Bộ Công Thương sẽ là một trở ngại và thách thức lớn đối với nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) khi hầu hết các dòng thuế có mức thuế đều bằng 0%.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn
Dù đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung do vướng phải những yêu cầu khắt khe từ Nghị định 116 nhưng kết thúc năm 2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô Việt Nam vẫn tăng trưởng nhẹ ở mức 5,8% so với năm 2017, với 288.683 xe được bán ra.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong ngành, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho biết, khi nguồn cung xe nhập khẩu được đảm bảo, thị trường ôtô Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2019.
Dù chưa có thống kê cụ thể của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), song số liệu từ một số nhà sản xuất, lắp ráp vừa công bố cho thấy sức tiêu thụ ô tô rất tốt từ đầu năm. Chẳng hạn, Hyundai Thành Công Việt Nam cho biết, tổng doanh số tháng 1 đạt 6.807 xe, tăng trưởng 11% so với tháng 12/2018.
Trong tháng 1, doanh số Accent có sự sụt giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn giữ vũng vị trí đầu bảng với 1.695 xe bán ra. Grand i10 đứng thứ 2 với 1,680 xe, tăng 17% so với tháng trước.
Đặc biệt, mẫu xe SantaFe vừa ra mắt ngày 9/1/2019, đã nhanh chóng tạo nên sức hút trên thị trường, với 836 xe đến tay khách hàng.Elantra cũng chứng kiến sự tăng trưởng đột biến, tăng 42.8% so với tháng trước đó, đạt 797 xe trong tháng 1/2019.
Sự phục hồi của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2019 còn được hỗ trợ từ nhu cầu tiêu dùng ôtô trên thị trường đang tăng mạnh.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và vẫn đang trên đà tăng trưởng trong năm 2019. Vì thế, sức mua ôtô kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019.
Những con số trên cho thấy, dư địa để thị trường ôtô Việt Nam phát triển còn rất lớn. Giới chuyên môn dự báo, năm 2019 và những năm tiếp theo, thị trường ôtô Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Theo Tổng giám đốc Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng, yếu tố dẫn dắt thị trường ô tô Việt Nam năm 2019 sẽ nằm chủ yếu về phía cầu. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngay từ cuối năm 2018, nhiều hãng xe đã liên tục cho ra mắt các dòng xe mới, cùng với đó nguồn cung của xe nhập khẩu cũng được dự báo ổn định hơn. Đó là tiền đề để thị trường ôtô Việt Nam có sự bứt phá trong năm 2019.
Năm 2019, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước nội khối kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ôtô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300 - 500 triệu đồng, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam.
Bên cạnh mức giá "mềm", người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn với các dòng xe từ Indonesia và Thái Lan. Do đó, doanh số của các dòng xe bình dân và trung cấp vào năm 2019 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh ở mức 20% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2019. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại tín hiệu tốt cho dòng xe hơi cao cấp. Bởi theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu đối với ôtô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được cắt giảm dần từ mức 70% về 0% trong vòng 10 năm tới. Sự cắt giảm này hứa hẹn kích thích sức mua đối với ôtô hạng sang trong dài hạn.
Với sự "trỗi dậy" của xe nhập khẩu, giới chuyên môn dự báo cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn.
"Một hãng, hay một quốc gia thì không thể sản xuất được tất cả các dòng xe cho người tiêu dùng. Do đó, cần có một cơ cấu hợp lý hơn giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Để từ đó thúc đẩy công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển", ông Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo