Phải kích thích người dân dùng ví điện tử
DNVN - Đây là một trong nhiều ý kiến được nêu ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 21/5 tại Hà Nội.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt / Phó Thủ tướng: "Thanh toán không tiền mặt góp phần phòng chống tội phạm kinh tế"
Dịch bệnh COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xét ở một góc độ tích cực, đối với lĩnh vực ngân hàng, dịch COVID-19 lại đang thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đua của các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính trong tiến trình triển khai số hóa dịch vụ và thanh toán điện tử.
40% người dân không có tài khoản ngân hàng
Tại Tọa đàm, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong thời gian COVID-19, chúng ta chứng kiến cuộc di dân vĩ đại của thế giới trên không gian số. Ông bày tỏ hi vọng rằng cuộc di dân này không chỉ là cuộc di dân để phòng chống COVID-19 mà còn là cuộc di dân thúc đẩy sự phát triển của nhân loại.
Theo Chủ tịch VCCI, việc tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc rất quan trọng đó là phải thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Yêu cầu số hóa và quốc tế hóa đang trở thành những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và kinh tế đất nước.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ.
Quang cảnh tọa đàm.
Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN khẳng định, trong đại dịch Covid-19, NHNN đã đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đa số là các giao dịch dưới 2 triệu đồng được thực hiện dưới hình thức giao dịch điện tử.
Thanh toán trong giai đoạn vừa qua đặt ra vấn đề phải kết nối hệ thống như kết nối với hệ thống dịch vụ công, đóng tiền điện. Dự kiến trong tháng 6 này, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện.
Phân tích những vấn đề đặt ra với sự phát triển của thanh toán điện tử, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, hạ tầng công nghệ của Việt Nam còn yếu; hoạt động lừa đảo, gian lận vẫn đang hoành hành nên Việt Nam không thể nôn nóng trong việc phát triển ngân hàng số toàn cầu.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phát biểu tại tọa đàm.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tại Việt Nam, có 40% người dân không có tài khoản ngân hàng, do đó, để mời gọi họ sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích họ dùng ví điện tử. Nếu chúng ta kiểm soát được điều này với chế tài chặt chẽ và công nghệ cao thì sẽ phát triển lành mạnh được loại hình ví điện tử.
Về mobile money, chuyên gia tài chính này cho rằng, rủi ro là nhà viễn thông lại không phải là ngân hàng, do đó hiện tượng rửa tiền có thể xảy ra. Cùng với đó, chức năng tạo tiền sẽ được các nhà mạng được phép thực hiện, đây là rủi ro với hệ thống tiền tệ.
Cũng đề cập đến mobile monney, ông Lê Đình Ngọc, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính chia sẻ, các vấn đề đặt ra là phải quản lý rửa tiền như thế nào, làm sao quản lý các công ty truyền thông sử dụng tiền khách hàng hay tạo tiền, thì Bộ tài chính đã đặt ra những giới hạn. Đó là khi tiền của khách hàng đưa vào công ty viễn thông thì bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng và bắt buộc không cho công ty truyền thông sử dụng tiền đó để đầu tư, mà chỉ để thanh toán cho khách hàng.
Giải pháp phát triển giao dịch không dùng tiền mặt
Theo ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đánh giá, việc đưa công nghệ số, phần mềm tin học, kế toán vào sớm thì sẽ thúc đẩy xu hướng không dùng tiền mặt nhanh chóng phát triển. Về phía Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng rộng chứng từ điện tử, chữ ký điện tử - đây là bước đầu để áp dụng công nghệ số. Về phía ngân hàng, hiện nay, cách mạng số bắt đầu khởi phát cho phép phát triển giao dịch không dùng tiền mặt.
Đề xuất giải pháp cho hoạt động này, ông Đặng Văn Thanh nêu ra 4 đầu việc cần phải làm ngay: Nhanh chóng hoàn thiện khuân khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt; Phải xác định được tổ chức cá nhân được quyền cung ứng các dịch vụ trung gian về thanh toán; Tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đặc biệt là vấn để bảo mật.
Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho rằng, để thúc đẩy kinh tế số, có 2 điểm cần lưu ý với các ngân hàng. Thứ nhất, phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng, phải tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản. Thứ hai, là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp hay không.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Hoàng cho rằng, nếu Nghị định này sớm được ban hành, sẽ thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán.
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, sau nhiều năm thi hành, Nghị định 101 đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, bộc lộ nhiều hạn chế và vướng mắc khi thi hành. Nhằm khắc phục những vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101.
“Chúng tôi xin cam kết người Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ hiện đại nhất, và kết quả sẽ được thể hiện ở những con số thay đổi về thanh toán điện tử của năm sau”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo