Quảng Ngãi: Thành tỷ phú từ mô hình làm trang trại tổng hợp
Thái Bình: Bỏ công nhân về làm 'triệu phú nông dân' / Từ bỏ ý định xuất khẩu lao động, quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương
Đi lên từ hai bàn tay trắng
Là nông dân, vợ chồng ông Trị khi mới lấy nhau cũng chỉ có vài sào ruộng để canh tác. Vì thế, để tạo dựng cơ ngơi như bây giờ, thì ông không có gì khác, ngoài ý chí vươn lên và siêng năng lao động.
Ông Trị bộc bạch: "Làm nông mà để nuôi con cái ăn học, cải thiện được kinh tế thì phải cần cù, chịu khó. Thay vì làm vài sào lúa, nuôi vài con heo, bò như nhiều gia đình khác, vợ chồng tôi chăn nuôi, trồng trọt với số lượng lớn. Từ hơn 30 năm trước, vợ chồng tôi đã thuê đất để trồng gần hai mẫu lúa, nuôi vài chục con bò sinh sản, heo nái... Vừa chịu khó lao động, vừa tích cực học hỏi các biện pháp phòng dịch, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, nên vật nuôi ít bị dịch bệnh, từ đó mà kinh tế gia đình phát triển".
Khác với nhiều người phải rời quê mưu sinh nơi xứ người, vợ chồng ông Trị gắn bó với quê hương và quyết làm giàu ở vùng đất khó. “Làm nông vất vả, không nhanh giàu có như kinh doanh, nhưng vẫn có thể làm giàu. Công việc gì cũng cần có sự kiên trì và hiểu biết, làm nông cũng thế. Trước khi chăn nuôi con gì, hay trồng cây gì thì phải tìm hiểu thật kỹ về đầu ra, thị trường và nắm rõ các quy trình kỹ thuật chăm sóc để hạn chế thấp nhất rủi ro”, ông Trị chia sẻ.
Ông Trị chăm sóc gà rừng
Tìm hướng đi mới
Dù chăn nuôi thành công, có nguồn thu nhập cao từ các vật nuôi truyền thống như bò, heo, gà... thế nhưng, ông Trị vẫn không ngừng tìm tòi, tìm hướng đi mới để phát triển trang trại của mình. Năm 2013, ông tìm những vật nuôi có giá trị kinh tế cao như hươu sao, chồn hương, heo rừng, gà rừng...
Lão nông gần 70 tuổi này cho hay: "Xã hội ngày càng phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, nên nhu cầu không chỉ ăn no, mà còn ăn ngon và bổ dưỡng. Bởi thế, tôi đi tham quan một số trang trại chăn nuôi lớn ở các tỉnh phía bắc và nghiên cứu thêm trên mạng để lựa chọn những con vật nuôi mới có chất lượng thịt ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe".
Khi nuôi những con vật mới, ông Trị xây mới và cải tạo chuồng trại để phù hợp với đặc tính của từng loại. Ông Trị cho biết: "Trang trại của tôi như một ngôi nhà hộp khép kín, có mái che kiên cố, lắp quạt trần, hệ thống phun sương và bên trong thiết kế chuồng theo từng đặc tính của vật nuôi, nhưng đều đảm bảo yếu tố thông thoáng, sạch sẽ. Với hươu sao thì xây dựng chuồng theo từng ô dạng lồng sắt. Còn gà rừng, chim bồ câu gà thì thiết kế chuồng lồng trên cao... Riêng chồn hương thì thích ở trong bóng tối, nên chuồng xây kín ở nơi khô ráo".
Với hơn 5.000m2 đất, ông Trị dành 3.000m2 xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Phần đất còn lại ông trồng cây ăn quả. Sau hơn 6 năm đầu tư những vật nuôi, cây trồng mới, đến nay ông Trị sở hữu đàn hươu sao 40 con (trong đó có 20 con đực đang trong giai đoạn cho nhung), 60 con heo rừng, hơn 1.000 con gà rừng, 100 chim bồ câu, 7 con chồn hương cái, 3 con bò sinh sản và hơn 200 gốc xoài, ổi, chanh. Năm vừa qua, kinh tế trang trại đã mang về cho gia đình ông hơn nửa tỷ đồng.
"Ông Nguyễn Ngọc Trị không chỉ cần cù, siêng năng trong lao động, mà còn chịu khó học hỏi, là người tiên phong nuôi những vật nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông dân trong và ngoài huyện thường đến tham quan trang trại của ông Trị và được ông nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu". Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Ba chia sẻ thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo