Quảng Ngãi: Vươn lên làm giàu từ vùng đất sỏi đá
Thái Bình: Làm giàu từ trồng nấm / Thái Nguyên: “Đại gia” trồng cỏ nuôi hươu
Trưởng thôn gác lại giấc mơ đại học
Ngôi nhà của trưởng thôn Phạm Văn Tìn, 25 tuổi, khá khang trang, chẳng khác gì những ngôi nhà kiên cố nơi miền xuôi, nổi bật bên cạnh những ngôi nhà của người Hrê ở thôn Mang Đen, xã Ba Vì, đó là ấn tượng đầu tiên khi đến đây. Nhìn vào cơ ngơi ấy, không ai không ngưỡng mộ thanh niên trẻ.
Trong lần đến thăm nhà, ông Đặng Anh Nhân, một người quen trong xã chia sẻ: "Sự nỗ lực vươn lên của thanh niên trẻ sau vài năm trở về từ quân ngũ thật khiến mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác”.
Trước đây, nhiều người nghĩ, Tìn tạm dừng giấc mơ đại học, rồi Tìn sẽ nối tiếp cái vòng lẩn quẩn trong nghèo khó của gia đình. Nhưng bây giờ, làm nông, chăn nuôi như Tìn, ai cũng muốn làm.
Vào đại học là giấc mơ của Tìn và giấc mơ đã trở thành hiện thực. Thế nhưng, nữa chừng lại đứt quãng. Tìn từng là sinh viên của Trường Đại học Tài chính Kế toán Quảng Ngãi. Khi đang học năm thứ 2, anh tạm ngưng việc học để đi bộ đội, hoàn thành nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc.
"Cùng lúc đó, gia đình cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cha bệnh nặng, em gái đang độ tuổi đi học. Là con trai trưởng trong nhà phải nhường cho em đến trường, còn mình nếu được tôi luyện trong môi trường quân ngũ, sau này trở về cũng sẽ dễ dàng có một công việc ổn định, lại hoàn thành nhiệm vụ của tuổi trẻ với Tổ quốc. Nghĩ thế nên tôi bảo lưu kết quả học tập”, Tìn kể lại quyết định mạnh mẽ ngày ấy.
Anh Tìn nuôi hơn 1.000 con gà mỗi năm và có nguồn thu nhập đáng kể từ mô hình này.
Năm 2016, Tìn xuất ngũ, trở về quê hương. Chưa vội trở lại trường học, với những kinh nghiệm tăng gia sản xuất trong quân đội, cộng với điều kiện hiện có ở quê nhà, anh xây dựng trang trại tổng hợp để có thu nhập hỗ trợ gia đình, trang trải cuộc sống.
Từ mảnh đất vườn nhà, chàng thanh niên phát triển hơn 1.000 con gà, vịt thả vườn, nuôi khoảng 10 con trâu mỗi năm. Song song đó, anh đào ao để nuôi cá, làm 6-7 sào ruộng lúa nước và trồng 5ha keo để phát triển kinh tế lâm nghiệp... Mỗi năm, các mô hình này mang lại cho anh ít nhất 100 triệu đồng mỗi năm.
Với uy tín của mình, vào năm 2017, Tìn được chính quyền địa phương, người dân chọn làm trưởng thôn Mang Đen. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Lê Hữu Trinh, với đặc thù là một xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, với hơn 75% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Sản xuất lạc hậu và năng suất lao động không cao.
Cách làm kinh tế của trường thông người Hrê ở thôn Mang Đen được chính quyền địa phương đánh giá cao. |
Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cũng như sự tận tụy, hết lòng của trưởng thôn Tìn, mà đến cuối năm 2019, tổng đàn gà, đàn vịt trong thôn tăng lên gần 1.500 con. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 12 hộ, tức giảm 60,4% so với năm 2018... Đây là một con số đáng ghi nhận khi Mang Đen từng là một trong những thôn khó khăn ở xã Ba Vì.
Anh Tìn vui vẻ cho biết, đợi sau dịch, bán xong lứa gà này, anh sẽ sắp xếp công việc để xuống phố tiếp tục hành trình dang dở của mình, tìm lại tấm bằng đại học chuyên ngành quản lý nhà nước.
"Mát tay" nuôi heo
Trên đường cùng tôi thong dong vào những bảng làng của xã Ba Xa là Chủ tịch Hội nông dân xã Phạm Văn Triệu, 32 tuổi. Anh cho hay: “Ở cái xứ xa xôi, sỏi đá khô cằn này, nói về làm kinh tế giỏi không ai qua chị Bí thư Chi bộ thôn Ba Ha- Phạm Thị Thìa. Chị nay mới 31 tuổi nhưng kinh tế gia đình chị chẳng mấy ai vượt qua".
Từ đầu ngõ nhà chị Thìa đã nghe tiếng động vật la inh ỏi khắp nơi. Ngôi nhà mà gia đình nhỏ đang sinh sống chật chội, nhưng khuôn viên trang trại chăn nuôi lại rộng rãi, thoáng mát, kiên cố. Lúc nào chị cũng tất bật.
“Vài tháng nay giá heo cao, đầu ra rất thuận lợi nên thu nhập ổn định, luôn trên 85.000 đồng/kg. Thị trường rất chuộng heo nuôi trên núi. Vì thế, hết thương lái này đến cân heo, lại có thương lái khác đến, nên chị thông cảm”, chị Thìa bộc bạch khi ngại người khác đợi.
Chị Thìa cân heo bán cho người dân địa phương. |
Chị Thìa hiện đang là Bí thư Chi bộ thôn Ba Ha, ở xã Ba Xa. Chị bắt đầu quá trình khởi nghiệp chăn nuôi của mình với mô hình nuôi heo từ cuối năm 2017. Sau gần 3 năm, bây giờ kỹ thuật nuôi, chăm sóc heo chị như rõ tường tận. Mỗi năm chị nuôi, cung cấp cho thị trường hàng trăm con heo các loại, lợi nhuận hơn 100 triệu mỗi năm.
Có một điều đặc biệt, trong khi dịch bệnh ở heo thường xuyên xuất hiện, nhưng ở đàn heo của gia đình chị hiếm khi xảy ra dịch bệnh. Theo tìm hiểu thực tế, lợn nuôi khỏe mạnh là nhờ tuân thủ chặt chẽ qui trình chăn nuôi an toàn. Thế nhưng, chị lại vẫn khiêm nhường cho rằng “mình may hơn khôn”.
Ngoài thu nhập từ nghề nuôi heo, chị còn mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, lên mạng tìm tòi kiến thức nuôi gà, vịt xiêm, vịt rằn... mang về thu nhập thêm trên 50 triệu đồng mỗi năm.
“Ở bản làng xa xôi như Ba Ha, chị em phụ nữ cùng thời với mình về trước không mấy ai được học rộng, đi ra ngoài nhiều. Do vậy, trong cách làm kinh tế, đặc biệt nghề chăn nuôi, họ không mạnh dạn với qui mô lớn. Chăn nuôi đối với họ chỉ để cải thiện bữa ăn gia đình nên cuộc sống còn khó khăn lắm! Là người đứng đầu ở thôn, mục tiêu của mình không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn mong muốn để bà con lân cận, hàng xóm cùng học hỏi làm theo”, chị nói.
Ở Ba Xa, chị Thìa được biết đến là nữ Bí thư Chi bộ thôn "mát tay" chăn nuôi. |
Rời những ngôi làng vùng cao Ba Tơ khi trời cũng đã chập choạng tối, đó cũng là lúc những người chăn nuôi tất bật nhất để chăm lo cho đàn gia súc, gia cầm có một giấc ngủ ngon với bụng no. Ở những nơi khô cằn nhất, sự nỗ lực của những người đứng đầu thôn như anh Tìn, chị Thìa đang từng bước xây dựng cuộc sống mới ở quê nghèo tốt hơn ngày hôm qua...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025