Thái Bình: Làm giàu từ trồng nấm
Thái Bình: Làm giàu nhờ trồng hành xuất khẩu / Thanh Hóa: Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ
Cầm tấm bằng bác sĩ thú y trên tay nhưng Lại Hoàng Tuyển lại chọn về quê làm nông nghiệp. Vợ Tuyển - cô kỹ sư nông nghiệp cũng xin nghỉ việc theo chồng về quê khởi nghiệp từ nuôi gà, lợn để phát triển kinh tế gia đình. Hai vợ chồng đã vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hàng trăm con lợn, gà trên diện tích 7.200m2 đất chuyển đổi. Là đảng viên trẻ, không ngại khó, ngại khổ, tinh thần gương mẫu, xung kích, dám nghĩ, dám làm nên Tuyển nghĩ với những kiến thức hai vợ chồng đã được trang bị từ nhà trường và học hỏi từ sách, báo việc chăn nuôi của mình sẽ thành công. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định nên việc chăn nuôi không hiệu quả, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Lại Hoàng Tuyển chăm sóc nấm.
Lại Hoàng Tuyển cho biết: Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, vợ mình đã được học nghề trồng nấm, vì vậy hai vợ chồng quyết định dừng việc nuôi lợn, gà, chuyển sang trồng nấm sò. Làm nấm cũng vất vả, cũng có dịch bệnh, khi nấm bị bệnh thì chỉ còn cách tiêu hủy, do vậy phải tuân thủ nghiêm quy trình, các công đoạn làm nấm. Trước tiên, phải xử lý nguyên liệu làm nấm bằng vôi bột rồi phối trộn nguyên liệu, đóng thành bịch, cho vào hấp để thanh trùng, cấy giống, nuôi sợi, treo bịch, rạch bịch, chăm sóc, tưới nước thường xuyên, canh độ ẩm, 25 - 30 ngày sau treo bịch sẽ được thu hái nấm... Theo Tuyển, để có sản phẩm nấm sò chất lượng cao, công đoạn nào cũng quan trọng nhưng trước hết phải làm tốt công đoạn đầu là ủ nguyên liệu. Tuyển chọn trồng nấm sò trên nguyên liệu là bông vải bởi đây là nguồn nguyên liệu dễ mua, giá rẻ, tận dụng phế phẩm từ các nhà máy sản xuất bông vải và sợi trong tỉnh nên đem lại lợi nhuận cao. Thời gian tốt nhất làm nấm là từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 (âm lịch) năm sau. Để giảm thời gian, nhân công, Lại Hoàng Tuyển đã đầu tư máy đóng bịch, hệ thống tưới nước tự động cho nấm. Dù là năm đầu tiên vừa học vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm nhưng cơ sở làm nấm của Tuyển cũng đã cung ứng ra thị trường trên 5 tấn nấm thành phẩm, bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, thu được 200 - 250 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 người gồm hai vợ chồng và 3 lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Nhàn, thôn Đồng Lang, xã Đông Vinh cho biết: Lúc mới được nhận vào làm tôi không biết việc nhưng được Tuyển hướng dẫn tỉ mỉ nên chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã thành thạo các công đoạn làm nấm. Công việc này nhàn, hợp với sức khỏe của những người cao tuổi. Mỗi tháng tôi được trả 3 triệu đồng, hơn hẳn làm ruộng.
Cơ sở sản xuất nấm mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng với sự năng động, nhạy bén, Lại Hoàng Tuyển đã tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đặc biệt, Tuyển còn tận dụng cả kênh bán hàng qua mạng internet, khách đăng ký mua rất đông, triển vọng tốt. Với thị trường tiêu thụ đa dạng như vậy nên vào thời điểm thời tiết hanh khô, nấm không năng suất, cơ sở của Tuyển không đủ hàng để giao cho khách.
Dù bận rộn với việc sản xuất nấm song Lại Hoàng Tuyển vẫn sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt đảng tại Chi bộ thôn Đồng Lang, tích cực phát biểu ý kiến, xây dựng Chi bộ ngày càng vững mạnh. Từ năm 2014 được kết nạp Đảng đến nay, Tuyển luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua của thôn, của xã, nhất là thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Hiện Lại Hoàng Tuyển đang nghiên cứu để có thể trồng nấm 12 tháng trong năm chứ không phải 9 tháng như hiện nay. Gia đình cũng sẽ đầu tư thêm máy móc, kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng nấm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho những ai có cùng đam mê nhằm đưa nghề trồng nấm trên bông vải phát triển rộng rãi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo