Thị trường

Hà Giang: Hiệu quả từ mô hình trồng cây Đương quy

Từ năm 2018, nông dân xã Phố Cáo (Đồng Văn) đã mạnh dạn chuyển sang canh tác thêm các loại cây dược liệu, trong đó, cây Đương quy được đánh giá là dược liệu quý, mang lại giá trị cao về mọi mặt. Nhiều gia đình sau khi trồng thử nghiệm đã có thu nhập cao, từng bước cải thiện được cuộc sống.

Thái Bình: Làm giàu nhờ trồng hành xuất khẩu / Thanh Hóa: Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ

Đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis, thuộc họ Hoa tán. Là thuốc đầu vị chữa một số loại bệnh, đồng thời dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ. Đặc biệt có tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp thông huyết, được dùng hầm canh bồi bổ cho các cụ già,… Cây Đương quy được sử dụng phần củ rễ, dùng tươi hoặc sấy khô. Tại một số địa phương, cây Đương quy được ưa chuộng còn bởi kỹ thuật trồng không khó; chi phí đầu tư ban đầu thấp; cây không có sâu bệnh gây hại. Người trồng chỉ cần nhổ cỏ, tưới nước và cho thu hoạch sau một năm. Đương quy cũng được trồng nhiều tại các vùng có khí hậu lạnh, khô ráo. Hiện, trên địa bàn xã Phố Cáo, người dân mới trồng thử nghiệm với tổng diện tích 3 ha. Sau khi thu hoạch đã cho thấy giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng ngô.

Nhận thấy cây Đương quy mang lại giá trị kinh tế lớn, năm 2018, gia đình anh Thào Mí Lình, thôn Chúng Pả A mua giống từ Trung tâm Giống cây trồng Phố Bảng về trồng thử trên diện tích 1 ha. Sau một năm thu hoạch, anh Lình bán củ tươi cho các nhà thuốc với giá từ 25 – 30 nghìn đồng/kg. Với 1 ha cây sâm Đương quy mang lại cho gia đình anh 100 triệu đồng tiền lãi. Anh Lình chia sẻ: Thôn Chúng Pả A có điều kiện khí hậu thuận lợi, đặc biệt phù hợp với cây Đương quy. Nhiều năm trước đây, người nông dân như chúng tôi không dám thoát ra khỏi lối canh tác cũ; nhưng trồng ngô, trồng lúa chỉ đủ ăn, lại rất vất vả. Sau khi được cán bộ xã định hướng và giúp đỡ, tôi cùng với 1 số anh em trong xã đã đăng ký trồng thử. Tôi mạnh dạn đăng ký trồng trên toàn bộ số đất canh tác của gia đình. Nhờ vậy, năm nay gia đình tôi mới có số tiền lớn để sửa nhà”. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lình còn cùng với lãnh đạo xã vận động người dân chuyển sang trồng Đương quy để cải thiện cuộc sống.

Anh Thào Mí Lình (phải) giới thiệu về cây Đương quy.

Anh Thào Mí Lình (phải) giới thiệu về cây Đương quy.

Chị Mua Thị Mỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Phố Cáo cho biết: Ban đầu, cán bộ xã trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Một số hộ sau khi thấy được hiệu quả đã chủ động đến tìm hiểu và đăng ký với xã. Mỗi 1 ha cây Đương quy có thể cho thu hoạch khoảng gần 9 tấn củ, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với trồng ngô, lúa, lại không vất vả. Với những hiệu quả bước đầu khả quan, năm 2020, xã Phố Cáo mở rộng diện tích trồng Đương quy lên 5 ha. Đặc biệt, khi trồng Đương quy luôn được đảm bảo từ việc cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Trung tâm Giống cây trồng Phố Bảng là nơi cung cấp toàn bộ cây giống, đồng thời cũng cam kết thu mua cho người dân. Tuy nhiên, bà con vẫn có thể tự mang bán tại các chợ, hiệu thuốc với giá cao hơn. Vì thế đã khích lệ, động viên bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi trong những năm tiếp theo.

Chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị trên cùng một diện tích đất đang là hướng đi đúng đắn và lâu dài của ngành Nông nghiệp. Cây Đương quy bước đầu đã giúp một số hộ dân tại xã Phố Cáo có thu nhập cao, cải thiện cuộc sống. Cũng từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm cho đại bộ phận người nông dân vùng cao, thoát ra khỏi lối canh tác cũ, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, từng bước thoát nghèo.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm