Sớm triển khai các gói phục hồi kinh tế: 'Sức bật' cho nền kinh tế
Giá xăng tăng mạnh lên gần 27.000 đồng/lít, Bộ Công Thương nói gì? / Giá vàng thế giới chiều 1/3 tăng trở lại
Đây là chương trình phục hồi kinh tế toàn diện và quy mô gần như lớn nhất trong lịch sử được thông qua. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít “điểm nghẽn”, “nút thắt”, nhưng việc tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết này sẽ tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế.
Sẽ giải ngân khoảng 50% của 350.000 tỷ đồng
Ngay những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các bộ, ngành đã bắt tay vào xây dựng chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (vừa được Quốc hội thông qua giữa tháng 1/2022). Tại buổi họp giao ban đầu tiên của năm mới Nhâm Dần của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai chính sách trong chương trình này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (Nghị quyết 11), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân công nhiệm vụ cho cục vụ trực thuộc với yêu cầu gấp rút thực hiện xây dựng chính sách hỗ trợ. Rút kinh nghiệm từ thực hiện các chương trình hỗ trợ trước đây, lần này, định kỳ hàng tháng, bộ ngành, địa phương gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ về kết quả triển khai, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc. Từ đó, không để xảy ra tình trạng vướng mắc khiến chính sách chậm trễ đi vào cuộc sống.
“Hiện, nhiều bộ ngành rục rịch triển khai và sắp ban hành chính sách hỗ trợ. Như Bộ Tài chính đã triển khai giảm thuế VAT. Ngân hàng Nhà nước dự thảo quy định về cấp bù hỗ trợ lãi suất. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương đang chờ hướng dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo về đầu tư công. Khối lượng công việc của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) rất nhiều, để đảm bảo tiến độ, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ ra điểm vướng mắc để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tháo gỡ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến, trong năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng thuộc Chương trình. Riêng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác định doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề nhất định để được hỗ trợ; trong đó, có nhóm doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi và nhóm doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển cho tương lai như: công nghệ thông tin, công nghệ số.
Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế sẽ gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm như: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%); tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.
Đôn đốc triển khai
Người dân và doanh nghiệp đang chờ mong những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế nhanh chóng được thực hiện. Chậm một ngày là cơ hội sẽ mất đi, khó lấy lại được, chính vì vậy Chính phủ đã đốc thúc các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách này.
Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Còn tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội về chính sách tài khóa phục hồi kinh tế ngày 16/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, cần phân bổ nguồn lực phù hợp, hài hòa, tránh cơ chế "xin - cho", không để xảy ra sai sót, vi phạm, triển khai chậm là bất lợi cho người lao động, cho đất nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ngay văn bản hướng dẫn các bộ, địa phương rà soát các danh mục của dự án, đề xuất mức vốn cụ thể để giao cho dự toán năm 2022 bố trí thực hiện giải ngân bổ sung.
Trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thì có 240.000 tỷ đồng được lấy từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách. Bộ Tài chính cho biết, nguồn vốn luôn sẵn sàng, giờ chỉ chờ các gói hỗ trợ được thông qua là có thể giải ngân ngay. Còn cộng đồng doanh nghiệp hiện kỳ vọng việc đưa nhanh nguồn vốn này ra sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp họ có thêm cơ hội, nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, yêu cầu lớn nhất hiện nay là các bộ, ngành phải hết sức khẩn trương kịp thời thể chế hóa ban hành các quy định hướng dẫn để đưa các chính sách vào thực tế.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 tương đối khả thi, khả năng hấp thụ cũng sẽ được đảm bảo. Chương trình hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí và thậm chí là có cả danh mục một số dự án cụ thể, hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu.
Tuy nhiên, để Chương trình triển khai thành công, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Từ đó, trung hòa cung tiền, kiểm soát mặt bằng lãi suất, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát giai đoạn 2022-2023. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý (khoảng 13-14%/năm) và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn.
Ông Lực lưu ý, cần hết sức chú trọng, quyết tâm cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi. Ở đây, vai trò giám sát, đôn đốc của bộ, ngành chủ trì và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội cùng với chế tài cụ thể sẽ mang lại kết quả tích cực hơn. Ông Lực kỳ vọng, năm 2022, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ có sự phục hồi khả quan với mức tăng trưởng của thế giới ước đạt từ 4,5 - 5% và Việt Nam có thể khoảng từ 6,5 - 7%.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, song song với xu hướng phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt khi giá cả, lạm phát toàn cầu và chi phí đầu vào dự kiến còn ở mức cao, tình trạng đứt gãy nguồn cung vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực, địa bàn. Điều này gây áp lực trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022, vừa phải cân bằng giữa việc hỗ trợ phục hồi kinh tế; đồng thời, chủ động đối phó với áp lực lạm phát, áp lực nợ xấu gia tăng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ ngành được giao xây dựng chính sách triển khai các gói hỗ trợ cần tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và ghi nhận phản hồi vướng mắc từ thực tiễn để nhanh chóng có các sửa đổi, bổ sung kịp thời mới có thể giúp cho việc thực hiện Chương trình thực sự phát huy hết hiệu quả như mong muốn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo