Sơn La: "Mật ngọt" từ nuôi ong an toàn VietGAP
Cây thuốc ‘chữa nghèo’ ở Hưng Yên / Doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh tăng áp lực lên ngân hàng
HTX chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, với 13 thành viên liên kết chăm sóc, nuôi ong và khai thác mật. Hiện, HTX có 1.000 đàn ong đang cho khai thác mật gồm 2 giống ong Ý và ong nội, bình quân đạt 30 kg mật/đàn/năm.
Tăng cả lượng và "chất"
Trước đây, các thành viên của HTX đều là các hộ nuôi ong có kinh nghiệm trên địa bàn, nhưng chủ yếu nuôi tự phát, dựa vào vốn hiểu biết của bản thân là chính. Sản phẩm mật ong làm ra vì thế chỉ mang tính tiêu dùng nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp.
Khi HTX được thành lập đã tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Những hộ có khả năng và điều kiện nuôi ong tham gia HTX được trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất.
Không chỉ hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi ong, hình thành tập quán sản xuất mới, HTX còn tích cực đi học hỏi kinh nghiệm tại các HTX nuôi ong ở các huyện; chủ động tìm các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, các hộ thành viên sau khi tham gia HTX đã nhận thức được lợi ích của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Để cung cấp ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, HTX đã phổ biến nhận thức về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ con giống; tập huấn kiến thức về phương pháp chăm sóc đàn ong trước khi vào vụ khai thác, cách phòng trừ dịch bệnh khi đàn ong bị bệnh, kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm mật ong...
Các thành viên đã tuân thủ quy trình nuôi ong an toàn, đặc biệt trong việc chọn địa điểm nuôi ong không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, hóa chất độc hại; đặt thùng ong ở gần nguồn thức ăn sạch, bóng râm.
Vì ong được nuôi theo hình thức tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình sản xuất VietGAP nên sản lượng và chất lượng mật không ngừng được nâng lên. Sản phẩm mật ong của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao bởi có vị ngọt đậm, thơm, màu sắc đẹp mắt.
Bảo đảm an toàn lao động cho người nuôi
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX cho biết nuôi ong chủ yếu là tận dụng điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi các thành viên phải cẩn thận, tỉ mỉ, nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, xây tổ, chia đàn, mùa lấy mật, sinh sản.
Mặt khác, muốn ong cho mật tốt phải tích cực di chuyển đàn theo mùa các loại hoa. Mật ong của HTX được lấy rất cầu kỳ, khi màu mật chuyển sang màu cánh gián, các hộ nuôi ong sẽ sử dụng máy xét nghiệm chất lượng mật để đo tỷ lệ đường, nước, mật theo đúng quy chuẩn mới tiến hành lấy mật.
Trong quá trình nuôi ong, lấy mật, người nuôi ong được cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động và nắm bắt các kiến thức về an toàn lao động (ATLĐ). HTX đã trang bị cho các thành viên phương pháp sơ cứu khi bị ong đốt. Quá trình kiểm tra, chăm sóc các thùng ong, các thành viên HTX dùng bình khói, bảo hộ lao động và các dụng cụ bảo hộ cần thiết như lưới che mặt, găng tay... để bảo đảm ATLĐ.
Đặc biệt, HTX không sử dụng các loại hương đốt có tẩm hóa chất gây nguy cơ ô nhiễm, mùi vào mật ong và ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi. Anh Nguyễn Văn Tuân, thành viên HTX chia sẻ: "Sau khi được đào tạo về thực hành nuôi ong theo quy trình VietGAP, tôi được hướng dẫn cụ thể các quy định về dụng cụ bảo hộ, ATLĐ, quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc đàn ong, khai thác đàn ong bài bản, khoa học hơn. Đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, cho nhiều mật. Ngoài ra, tôi còn được HTX hỗ trợ thùng quay mật nên khâu thu hoạch mật cho hiệu quả cao hơn nhiều, mật không bị hao và lẫn nhiều sáp như trước".
Hiện, gia đình anh Tuân có 150 đàn ong, mỗi năm thu khoảng 1,5 tấn mật, trừ chi phí lãi gần 150 triệu đồng. Nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP giúp các thành viên giảm được các chi phí trong sản xuất; làm tăng sản lượng và chất lượng mật, góp phần nâng cao giá thành của sản phẩm mật ong và thu nhập cho các thành viên.
Bình quân mỗi năm, HTX thu hoạch 30 tấn mật với giá dao động từ 130.000-170.000/lít; sau khi trừ chi phí cho thu lãi gần 3 tỷ đồng. Mới đây, sản phẩm mật ong và phấn ong của HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản vùng 1 cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh