Tắc kiểm dịch vì quy định mới phát sinh, doanh nghiệp thấy "bất ổn trong thực thi chính sách"
(DNVN) - Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết: Trong ba tháng qua, Cục Thú y giữ hàng ngoài cảng không cho kiểm dịch. Lý do ngưng kiểm dịch là hàng không có nhãn, việc hàng ách tắc gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp khoảng 600 triệu đồng.
Bài toán gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản Việt / Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng của VPBank đạt 6.125 tỷ đồng, doanh thu đạt hơn 22.100 tỷ tăng 26% so với cùng kỳ
Vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đã làm việc với 5 bộ: Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá cao Bộ NNPTNT, đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong rà soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, ông Nam cho biết, ba tháng qua, các doanh nghiệp (DN) ngành thuỷ sản khá bức xúc. Đó là những bất cập trong việc ghi nhãn hàng hóa đối với nguyên liệu nhập khẩu (NK) dạng cá xô/xá, việc yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận kiểm dịch/ATTP của nước xuất khẩu (XK), đối với các lô nguyên liệu NK cá mua trực tiếp từ tàu đánh bắt, được đóng trong các container vận chuyển về Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam đã báo cáo, đề xuất kiến nghị các vướng mắc, bất cập của DN thủy sản trong lĩnh vực XNK và quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tới Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 5/2018, các DN NK hải sản cho sản xuất XK gặp vướng mắc lớn, liên quan đến dán nhãn hàng hóa đối với nguyên liệu NK là thủy sản đông lạnh đóng xô/xá hoặc đóng block không có bao bì để chế biến thực phẩm, không được cơ quan thú y thực hiện kiểm dịch để thông quan hàng hóa.
"Về nhãn, nhiều DN hội viên vẫn đang nhập trong ít nhất khoảng 7 - 8 năm vừa qua, để phục vụ chủ yếu cho sản xuất XK và gia công XK, vẫn sản xuất và NK bình thường. Trong đó có những dòng nguyên liệu khai thác ở tàu, không xuất phát từ chế biến trên đất liền, đóng gói.
Là hàng cá xô/xá đủ mọi size cỡ, được làm đông lại, được đóng vào các container để XK đến các quốc gia, hoặc có thể đã có một công đoạn sơ chế cơ bản trên tàu, nhưng hoàn toàn toàn vẫn là hàng xô/xá, mà thông lệ quốc tế vẫn coi là nguyên liệu đưa về các nơi có nhu cầu mua.
Hàng này không thể ghi nhãn được, bởi vì không thể dán nhãn trên con cá, cá đóng từng thố khoảng 5kg, 10kg thậm chí đến 20kg được đưa thẳng vào container" ông Nam nói.
(Ảnh minh họa)
Từ thực tế trên, VASEP có kiến nghị: Bộ NNPTNT đề nghị với Bộ KHCN sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP trong năm 2018, để có cơ sở pháp lý rõ ràng trong thực thi.
Trong đó, đặc biệt tính đến yếu tố đặc thù của ngành thủy sản, liên quan đến vấn đề ghi nhãn hàng hóa cho dòng hàng nguyên liệu thủy sản NK, dạng hàng xô/xá hoặc block trần. Trong thời gian chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ KHCN, đề nghị Bộ NNPTNT thống nhất quy định, hướng dẫn thực thi phù hợp trên cả phương diện pháp lý, thông lệ quốc tế và thực tiễn của ngành hàng.
Thêm vào đó, một thủ tục hành chính mới phát sinh từ tuần cuối tháng 9/2018, đó là yêu cầu phát sinh thêm từ cơ quan thú y về "Giấy chứng nhận kiểm dịch/ATTP – HC” từ nước XK, đối với các lô nguyên liệu thủy sản khai thác được đóng/sang container trực tiếp từ các tàu khai thác và đưa về Việt Nam.
Yêu cầu này phát sinh khi Cục Thú y có một “công văn hỏi” số 2233/TY-TTr,PC ký ngày 24/9/2018 gửi tới các Chi cục Thú y để đánh giá thông tin, hoàn toàn không phải là một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh/bổ sung một thủ tục hành chính.
Ông Nam nhân định: Trong thực tiễn và thông lệ quốc tế, việc NK nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác (trực tiếp từ tàu hoặc tàu sẽ phân bổ vào các container để vận chuyển tới nơi NK, đều không qua bất cứ công đoạn chế biến nào ở nhà xưởng trên đất liền) là một thông lệ quốc tế và Việt Nam là một quốc gia cũng tham gia trong chuỗi giao thương bình thường này từ trước đến nay.
Do các lô hàng này chỉ chuyển tải trung gian qua cảng của các quốc gia này nên Cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia có cảng trung gian không thể cấp Giấy H/C cho các lô hàng này được. Do đó, toàn bộ các lô hàng này không thể có Giấy H/C kèm theo để nộp cho Cơ quan thú y khi NK vào Việt Nam.
Ngày 12/10, Cục Thú y trên tinh thần cầu thị và tích cực giải quyết, đã tổ chức cuộc họp đối thoại để giải quyết sự việc, có sự tham dự của các Chi cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, cục NAFIQAD, VASEP và một số DN.
Ngày 15/10/2018, theo kết quả cuộc họp 12/10, Cục Thú y đã ban hành công văn số 2421//TY-TTr,PC gửi Chi cục Thú y các vùng. Đặc biệt, công văn không nhắc đến giấy “chứng nhận kiểm dịch/ATTP – Health Certificate” kèm lô hàng từ nước XK. Đây là nguyên nhân chính mà các Chi cục Thú y đưa ra, khiến rất nhiều container của một số DN bị ngưng kiểm dịch phải nằm lưu bãi tại cảng trong thời gian từ 26/9 -17/10 (gần 3 tuần).
Sơ bộ số tiền thiệt hại của chỉ ba DN hội viên VASEP phải trả cho phí lưu container/lưu bãi trong thời gian này là gần 600 triệu đồng (gần 40 container), chưa kể chất lượng hàng hóa có thể rủi ro hư hỏng và bị phạt hợp đồng do chậm giao hàng.
Để giải quyết tận gốc bất cập nói trên và đặc biệt tránh bất ổn trong thực thi quy định hành chính, VASEP đề nghị: Bộ NNPTNT rà soát và sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT.
Trong đó, cần xem xét đầy đủ tính thị trường và thông lệ quốc tế đối với dòng hàng nguyên liệu thủy sản NK trực tiếp từ tàu đánh bắt được đóng/sang container rồi vận chuyển về Việt Nam, không yêu cầu các lô hàng này phải kèm theo Giấy H/C ngoài các giấy tờ theo thông lệ quốc tế: Captain Statement, Hồ sơ tàu khai thác, B/L mà Việt Nam và các nước vẫn đang thực hiện.
Hiệp hội VASEP cũng đã có 2 văn bản gửi Cục Thú y góp ý và kiến nghị cho nội dung này, gồm: CV 138/2018/CV-VASEP của VASEP ngày 24/9/2018 và CV 142/2018/CV-VASEP ngày 2/10/2018.
Qua sự việc này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, không có điểm tựa pháp lý đầy đủ, và cảm nhận của cộng đồng DN là thấy đang tồn tại "bất ổn trong thực thi chính sách", ảnh hưởng thiệt hại kinh tế cho DN. Rủi ro lớn nhất chưa phải là phí nộp cho cảng, mà chính là chất lượng hàng hóa phải giữ đông ở dưới -18 độ; không kịp tiến độ giao hàng, phạt hợp đồng, mất uy tín; công nhân không có việc làm những thiệt hại tiềm ẩn.
Hoàng Tuyết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam. (Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN)