Tăng tốc giải ngân vốn tín dụng cuối năm
Thị trường thực phẩm Halal: Tiềm năng nhưng không dễ khai thác / Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tạo bình đẳng giữa người mua và bán
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 1403 về việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm… trong việc tăng trưởng tín dụng, đồng thời, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Như vậy, lãnh đạo Chính phủ đã liên tục ra các văn bản đốc thúc ngành ngân hàng sau khi tín dụng tăng trưởng khá ì ạch nửa đầu năm.
Sau những chỉ đạo quyết liệt, tính đến 20/12, tín dụng đã tăng 10,85%. Mặc dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã có sự gia tăng đáng kể so với tháng trước. Chỉ trong 20 ngày của tháng 12 đã tăng 1,7%, tương đương khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.
Trong bối cảnh tín dụng tăng khó, mỗi ngân hàng lại lựa chọn hướng đi riêng. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm "đo ni đóng giày" theo từng phân khúc trọng tâm. Tùy thuộc là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu hay hộ kinh doanh cá nhân, đều có những chính sách hỗ trợ khác nhau.
Ông Nguyễn Thế Dân, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt BVBank, cho biết: "Chúng tôi có gói lãi suất 5,5%/năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân vay bổ sung vốn kinh doanh hoặc tiêu dùng, mua xây sửa nhà cửa phục vụ nhu cầu tăng cao dịp cuối năm".
Các khoản cho vay mới lãi suất đã giảm hơn 2% nhưng các khoản cho vay cũ vẫn cần độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi huy động, mới có thể giảm được. Vì thế, các chuyên gia nhận định, năm 2024 vẫn còn dư địa để tiếp tục hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Linh hoạt trong quản lý room tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng
Các số liệu cho thấy chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, tín dụng đã bứt tốc khá mạnh. Đặc biệt, sau khi NHNN quyết định nới hạn mức tín dụng cho các NHTM đã đạt trên 80% chỉ tiêu. Điều này đã giúp các NH chủ động hơn trong việc đẩy tín dụng.
Ngoài ra, cuối năm nhu cầu vốn thường tăng cao hơn. Trong công điện, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc điều hành công cụ room tín dụng cần linh hoạt hơn.
20 ngày đầu tháng 12, tín dụng của toàn nền kinh tế đã tăng thêm 1,7%. Tốc độ bơm vốn mạnh nhất kể từ đầu năm nay. Nhiều ngân hàng đã tăng tín dụng vượt hạn mức được cấp đầu năm. Sau khi các NHTM được chủ động triển khai phân bổ hạn mức đầu tháng thay vì việc phải xin nới room từ NHNN như trước kia.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, nói: "Các lần trước ấn định một số cụ thể với một ngân hàng cụ thể được bao nhiêu, còn lần này là căn cứ chung thì NH nào đạt được tiêu chí đó thì chủ động tăng, điều này là sự tiến bộ của NHNN cho room chủ động hơn. Chúng tôi kỳ vọng rằng trong năm tới việc phân bổ room sẽ được rộng rãi hơn ngay từ đầu năm, như vậy, các NHTM có thể chủ động hơn trong việc phân bổ tăng trưởng tín dụng như thế nào".
Trong bối cảnh dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao, khoảng 125% năm 2022 và tiếp tục xu hướng tăng qua các năm.
Giới tài chính cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế là vẫn cần thiết. Bởi đây vẫn là công cụ để kiểm soát việc bơm vốn, để thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả, phù hợp với thực tế, đảm bảo các cân đối vĩ mô.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nói: "Việc điều hành chính sách tiền tệ bằng room tín dụng nó mang tính chất hành chính, nhưng nó đảm bảo trong năm đó tín dụng chỉ tăng từng đó thôi. Trong trường hợp chúng ta bỏ room tín dụng nhưng trường hợp các công cụ thị trường chưa đủ sẽ ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ trong thời gian tới, gây ra vấn đề như bong bóng tài sản tài chính, dòng tiền không vào sản xuất mà vào chứng khoán hay bất động sản, tăng cung tiền 1 cách nhanh chóng có thể gây cú sốc cho nền kinh tế".
Tuy nhiên, với từng ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, NHNN có thể tăng sử dụng các giải pháp kỹ thuật thay thế, như kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hay tỷ lệ an toàn vốn CAR hay cho phép tăng dư nợ dựa trên năng lực của từng tổ chức thay vì phân bổ tín dụng bằng chỉ tiêu bình quân, theo phân hạng ngân hàng theo nhóm như hiện nay. NHNN có thể triển khai thử nghiệm từng bước.
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn - Công ty Chứng khoán MB, nói: "Các ngân hàng sẽ có kế hoạch trong việc phân bổ room tín dụng như thế nào và tăng trưởng tín dụng như thế nào gửi lên cho NHNN. Điều này sẽ làm cho các ngân hàng sẽ tự chủ hơn trong kế hoạch của mình, làm cho các ngân hàng chủ động hơn, linh động hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình. Việc làm này theo quan điểm của tôi sẽ mang tính thị trường hơn và các ngân hàng sẽ được tự chủ hơn".
Thực tế tháng cuối cùng của năm 2023 cho thấy, khi các ngân hàng được chủ động tăng tín dụn, thì tín dụng đã đi rất nhanh. Có ngân hàng chỉ trong 2 tuần đã tăng thêm được 4-5% tín dụng.
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là kết thúc năm 2023 và ngành ngân hàng khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay mặc dù đây là mục tiêu điều hành linh hoạt, điều chỉnh theo thực tế. Bước sang năm tới, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo chuẩn bị kỹ, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng, trong đó, chú trọng rà soát, hoàn thiện tiêu chí, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?