Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể lên tới 6,48%
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chậm lại nhưng có nhiều "điểm sáng" / ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á
Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Chương trình đã hỗ trợ quá trình xây dựng, xuất bản và công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.
Theo báo cáo, Việt Nam bước vào năm 2023 với khá nhiều kỳ vọng, trong bối cảnh kinh tế-xã hội đã phục hồi khá tích cực trong năm 2022 và yêu cầu phải thúc đẩy tăng trưởng nhanh để tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá rõ đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ước đạt 28 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong năm 2023, song đã có sự cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm và giữa các tháng trong năm. Các FTA đã góp phần đáng kể cho phục hồi hoạt động xuất khẩu cũng như đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, báo cáo đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2.
Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
Báo cáo đã đánh giá kết quả hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan đến tổ chức thực thi RCEP. Kết quả trong giai đoạn 2018-2023, dù còn cần theo dõi thêm, cho thấy tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia RCEP nhìn chung giữ xu hướng giảm.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP còn tương đối thấp (0,67%). Tuy vậy, góc nhìn về tận dụng ưu đãi trong FTA ở khu vực RCEP cần được mở rộng, bởi RCEP được thiết lập trên cơ sở đã có một loạt FTA ở khu vực Đông Á. Chính vì vậy, việc hiện thực hóa RCEP đã tạo thêm động lực cho các hoạt động tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) ở khu vực này ngay trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID -19.
Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới. Trong đó, có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP. Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.
Phát biểu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”, sáng ngày 15/1, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, báo cáo đã cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2023. Cùng với những phân tích và nhận định đa chiều của các chuyên gia và của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Qua đó, đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô cho năm 2024; đánh giá kết quả hai năm thực thi RCEP. Đồng thời, kiến nghị một số định hướng đổi mới nội dung điều hành, cải cách kinh tế trong năm 2024.
Báo cáo nhấn mạnh việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường. Gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá nông sản ngày 4/1/2025: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Chủ động cung ứng đủ điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Động lực nào cho dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2025?
Giá vàng ngày 4/1/2024: Vàng thế giới giảm mạnh từ đỉnh 3 tuần, vàng trong nước ổn định
Giá ngoại tệ ngày 4/1/2025: USD giảm nhẹ, Dollar Index lùi về mốc 108
Giá heo hơi ngày 4/1/2025: Đà tăng quay trở lại trên cả ba miền