Thanh Hóa: Hướng làm giàu cho người nuôi trồng thủy sản vùng triều Hậu Lộc
Cao Bằng: Mô hình vỗ béo bò cho thu nhập cao / Bà Rịa - Vũng Tàu: Nuôi tôm trên ruộng muối mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhiều chủ đồng tại các xã Hòa Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng ao nuôi đồng bộ, mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, 2 đến 3 vụ/năm. Năng suất tôm thẻ chân trắng thương phẩm bình quân đạt từ 10 đến 15 tấn/ha/vụ. Sau khi đã trừ các chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng/1 ha/vụ... Không những làm giàu cho gia đình, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Minh Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Để có hiệu quả bền vững, ngoài tôm sú, cua, cá xã tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, công nghệ cao. Nhiều hộ đã tích cực đầu tư vào các mô hình nuôi thủy sản, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như hộ anh Cao Văn Sỹ thuê 9,8 ha đất của xã (nhiễm mặn, nhiễm phèn không trồng được lúa) để đầu tư ao nuôi tôm. Các năm gần đây, anh đầu tư cải tạo toàn bộ ao đầm, lắp đặt các thiết bị... nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Sỹ mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 15 tấn tôm thương phẩm/ha, trừ chi phí lãi vài tỷ đồng.
Một góc khu nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Minh Lộc.
Khảo sát thực tế tại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Các vụ nuôi trước đây, do một số nguyên nhân nhiều diện tích tôm chết hoặc chậm lớn, dịch bệnh lây lan, hiệu quả nghề nuôi tôm sú thấp. Các năm vừa qua, UBND xã đã chỉ đạo chủ đồng xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật; chọn mua con giống bảo đảm chất lượng và đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng; thả nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả cao và bền vững.
Năm 2020, xã Hòa Lộc tiếp tục chỉ đạo người dân chuyển một số diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả và vùng ven đê nhiễm mặn sang sản xuất mô hình trang trại tổng hộ như lúa - cá, mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp công nghệ cao... Đối với diện tích chưa đủ điều kiện nuôi công nghiệp, xã sẽ nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá và đưa một số đối tượng mới vào thả nuôi. Đến tháng 4-2020, xã Hòa Lộc đã chuyển đổi được 41 ha sản xuất lúa kém hiệu quả và đồng làm muối cho thu nhập thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng và các đối tượng nuôi khác như tôm sú, cá mú,... nâng tổng diện tích nuôi nước lợ toàn xã lên gần 80 ha. Trong đó, có 8 ha nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao.
Toàn xã có 82 hộ với khoảng 200 lao động tham gia nuôi trồng thủy sản. Thu nhập bình quân của các chủ đồng đạt 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Hàng chục hộ gia đình trong xã có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật, mua con giống đảm bảo chất lượng đã làm giàu từ nghề nuôi thủy sản. 100% diện tích nuôi nước lợ trên địa bàn xã đã được nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, luân canh, xen canh các đối tượng thủy sản khác (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua là đối tượng chính được nuôi luân canh, xen canh đa thời vụ với tôm rảo, rau câu và các loại cá), giá trị tăng cao hơn khoảng 50%. Năm 2019, giá trị nuôi trồng thủy sản của xã Hòa Lộc tăng 2,5 lần so với năm 2015.
Điển hình như anh Đỗ Văn Hải chủ ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hòa Lộc, nhận thầu của xã gần 3 ha đồng muối kém hiệu quả và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ao nuôi tôm thẻ chân trắng từ 2 - 3 vụ/năm. Toàn bộ diện tích nuôi công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới, nhà bạt cho hiệu quả cao. Theo kinh nghiệm của anh Hải: Nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều cái lợi, đó là thời gian nuôi ngắn (khoảng 80 ngày) cho thu hoạch tôm thương phẩm. So với tôm sú, tôm thẻ chân trắng dễ nuôi do chịu được môi trường thay đổi, thích nghi với độ mặn, chịu được nhiệt độ thấp, tôm phàm ăn, cho năng suất cao. Do chi phí sản xuất thấp nên giá thành tôm thẻ chân trắng thương phẩm thấp, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công cần nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; chọn mua được con giống sạch bệnh; quản lý tốt môi trường nuôi để không xảy ra dịch bệnh và có cơ sở tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hậu Lộc lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2015-2020) và đề án phát triển nông nghiệp đến 2025, tầm nhìn 2030 xác định: Khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản là thế mạnh, mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025 thủy sản chiếm 62,49% cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản; tổng sản lượng đạt 60.000 tấn; giá trị sản xuất bình quân 1 ha nuôi thủy sản đạt 250 triệu đồng.
Để phấn đấu năm 2020, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 47.500 tấn trở lên, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 13.500 tấn (tăng 29% so với thực hiện năm 2019), trước mắt, huyện ổn định diện tích nuôi ngao Bến Tre 600 ha tại các xã vùng bãi ngang; 770 ha thủy sản nuôi nước ngọt; 514 ha nuôi nước lợ với đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, cá... UBND huyện, các xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, phát tài liệu đến hộ nuôi kỹ thuật cải tạo ao đầm, kiến thức kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống, chăm sóc, quản lý tôm nuôi, quản lý môi trường vùng nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh đúng liều lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trường...
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: Hậu Lộc có lợi thế nuôi thủy sản cả nuôi nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Các năm vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng nuôi được quan tâm đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả. Một số mô hình nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi VietGAP bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi. Vùng nuôi ngao Bến Tre của huyện đang từng bước thực hiện các khâu kiểm soát để đủ điều kiện nằm trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ tại thị trường khối EU, nhằm nâng giá trị cao hơn từ 3-4 lần hiện nay.
Cùng với việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, huyện đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, tôm sú; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vùng triều nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, quan tâm phát triển đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng...
Thực hiện mục tiêu năm 2025 tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 2.014 ha, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã chuyển hàng trăm ha đất trồng lúa sâu trũng và đất sản xuất muối kém hiệu quả, vùng ven đê nhiễm mặn sang sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp như lúa - cá, nuôi thủy sản nước lợ theo hướng đa dạng đối tượng nuôi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo