Thị trường

Thanh Hóa: Ngọc Lặc nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gia tăng thu nhập cho người nông dân, những năm qua, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) đã thực hiện nhiều chính sách để nhân rộng các mô hình sản xuất điểm, vừa có hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), nhằm lan tỏa hiệu quả, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho người dân.

Bắc Giang: Sức lan tỏa từ mô hình trồng nấm sạch / Lào Cai: Mô hình nuôi lợn an toàn, chủ trại thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày

Hàng loạt điểm sáng

Thời gian qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ (xã Kiên Thọ) đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất dưa vàng công nghệ cao, mở ra hướng trong sản xuất nông nghiệp địa phương, tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đặc biệt là nâng cao ATLĐ cho người sản xuất.

Ngọc Lặc đang dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt an toàn

Ngọc Lặc đang dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt an toàn

Anh Phạm Văn Kiên, thành viên HTX, sau khi được tập huấn kỹ thuật, đã mạnh dạn vay vốn để phát triển 1.600m2 nhà lưới trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu. Nhờ sản xuất khoa học, tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, anh Kiên thu về lợi nhuận gần 100 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên, 100% sản phẩm sản phẩm được bao tiêu với giá 35.000 đồng/kg.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ trồng dưa trong nhà lưới không quá phức tạp, thị trường tiêu thụ ổn định, doanh thu bình quân có thể đạt 60 – 70 triệu đồng/năm, một năm có thể triển khai 3 vụ.

Để nhân rộng mô hình, những năm gần đây, huyện Ngọc Lặc đã phân công các phòng chuyên môn đẩy mạnh khảo sát, hỗ trợ các hộ phát triển mô hình, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học – kỹ thuật để giúp các hộ phát triển theo hướng an toàn, đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, huyện đã lồng ghép nguồn vốn nông thôn mới để phát triển 77 mô hình sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ, thu hút 664 hộ và 3 HTX tham gia, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động trong và ngoài địa phương.

 

Chăn nuôi an toàn cũng được huyện chú trọng

Chăn nuôi an toàn cũng được huyện chú trọng

Đẩy mạnh lan tỏa

Bên cạnh trồng trọt, các mô hình chăn nuôi an toàn quy mô trang trại cũng đang được huyện Ngọc Lặc chú trọng nhân rộng. Nhiều mô hình nuôi gà gia trại theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ được hình thành và lan tỏa hiệu quả tại các xã Lộc Thịnh, Cao Thịnh, Ngọc Sơn, Kiên Thọ, Mỹ Tân, Minh Sơn…

 

Kết quả, mô hình chăn nuôi gà an toàn đang cho giá trị cao, bình quân đạt 100 triệu đồng/năm/mô hình. Các mô hình đang hướng dần đến sản xuất sinh học, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, đảm bảo các tiêu chuẩn cao về vệ sinh môi trường, ATLĐ.

Những chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu trên địa bàn huyện Ngọc Lặc trong thời gian qua nằm trong Đề án “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 – 20121”.

Theo Đề án, bên cạnh các mô hình sản xuất nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện còn đầu tư phát triển nhiều mô hình thử nghiệm giống mới, các mô hình hiệu quả cao như mô hình trồng ớt xuất khẩu, ngô ngọt, bảo tồn nếp hạt cau… Đồng thời, khuyến khích người dân phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng an toàn gắn với ATLĐ.

Thời gian tới, để tiếp tục lan tỏa hiệu quả các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả, huyện Ngọc Lặc sẽ chủ động đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với thực tế tại từng địa phương; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm