Thị trường

Tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ 2 triệu tấn nông sản trong tháng 8

DNVN - Trong tháng 8 có gần 2 triệu tấn nông sản đến vụ thu hoạch, trong khi dịch COVID-19 diễn biến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản, khi mà nhiều địa phương vẫn thực hiện giãn cách xã hội. Nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất, nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương sẽ xảy ra.

VN-Index bứt phá vượt mốc 1.330 điểm, nhóm ngân hàng và chứng khoán dẫn dắt thị trường / Cảnh giác với kit test nhanh COVID-19 bán tràn lan trên mạng xã hội

Đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 30/7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc đối với việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trong nước.

Trong tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất, nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40 nghìn tấn, chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 nghìn tấn, khóm (dứa) 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn.

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách, dẫn đến việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong nước và các nước trên thế giới dẫn đến việc sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên - vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) bị hạn chế, dẫn đến giá tăng liên tục. Trong khi giá bán nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản giảm, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái đầu tư của người dân và sự phát triển sản xuất những tháng cuối năm.

Xuất khẩu nông sản cũng gặp nhiều khó khăn khi thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa, như: Tăng cường kiểm tra hàng hóa, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam. Tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa XNK bị kéo dài, đồng thời tăng cường quản lý đội lái xe tại cửa khẩu. Thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, bệnh COVID-19 thông qua đội lái xe chuyên trách làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xảy ra ùn ứ cục bộ. Các thị trường xuất khẩu chính gia tăng áp dụng rào cản kỹ thuật thương mại, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong tháng 8 sẽ có 2 triệu tấn nông sản cần được tiêu thụ. Nguồn ảnh: Internet

Trong tháng 8 sẽ có 2 triệu tấn nông sản cần được tiêu thụ. Nguồn ảnh: Internet

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử

Bộ NN&PTNT cũng nêu ra một số khó khăn như: Nút thắt về vốn tín dụng, áp lực về chi phí sản xuất, thuế, phí, hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Theo đó, các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp, khó tiếp cận để phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và suy giảm.

Thêm vào đó, do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt gãy, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn. Do đó áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần, dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn lưu động tồn do ứ đọng hàng hóa.

Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông, thủy sản với công suất khoảng 700.000 pallet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển; một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.

 

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản như: Điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả. Vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Nâng cao năng lực chế biến, xác nhận xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông sản chính ngạch sang các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt đối với kế hoạch đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đưa ra kế hoạch tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VietnamPost), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (phụ nữ, đoàn thanh niên) xây dựng chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Trước mắt đề xuất xây dựng mạng lưới thông tin liên kết giữa các đơn vị của ngành nông nghiệp với các chi hội, chi đoàn từ trung ương tới địa phương và triển khai xây dựng các điểm chuẩn hóa mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch tại các thành phố, khu dân cư;

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, Hiệp hội các nhà bán lẻ và một số tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn tại Việt Nam phối hợp tháo gỡ khó khăn, đồng hành với các địa phương đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản vụ đông do dịch bệnh COVID-19. Hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản; Hướng dẫn, hỗ trợ địa phương để đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee,…

 

Phối hợp, đồng hành với các địa phương kết nối tiêu thụ và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch như: Vải, nhãn tại Sơn La; vải tại Hải Dương, Bắc Giang; khoai lang tại Vĩnh Long; xoài, ớt tại Đồng Tháp, na Chi Lăng, nhãn Hưng Yên.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 3,82%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%. Bên cạnh đó, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước. Đến cuối tháng 7, sản xuất nông lâm thủy sản cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Cụ thể như sau:

Sản xuất lương thực:7 tháng đầu năm, cả nước tập trung gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa Đông Xuân, Hè Thu sớm và gieo cấy vụ Hè Thu, vụ Mùa, vụ Thu Đông. Đến cuối tháng 7, dự kiến cả nước thu hoạch ước đạt 6,5 triệu ha; sản lượng đạt 23,7 triệu tấn (riêng vụ Đông Xuân 20,5 triệu tấn với năng suất tăng cao đạt 68,3 tạ/ha), đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Sản xuất thực phẩm

Rau: 7 tháng đầu năm, sản lượng rau đạt trên 9,8 triệu tấn, tăng 1,2%, đảm bảo phục vụ tiêu dùng trong nước (khoảng 6,98 triệu tấn) và còn khoảng 2,8 triệu tấn rau hàng hóa, sử dụng cho mục đích khác.

 

Chăn nuôi: 7 tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển mạnh, theo đó đàn bò tăng khoảng 2,3%; đàn lợn tăng 6,1%; đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng 4,8%; riêng đàn trâu tiếp tục giảm khoảng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2020.

Thủy sản: Tổng sản lượng đạt trên 4.900,1 nghìn tấn, tăng 2,2%; trong đó khai thác 2.347,2 nghìn tấn, tăng 1,1%; nuôi trồng 2.552,9 nghìn tấn, tăng 3,3%.

Lâm nghiệp: Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 9.495,6 nghìn m3, tăng 5,5%; sản lượng củi khai thác ước đạt 11,4 triệu ste (đơn vị đo sản lượng gỗ tạp), giảm 0,3%.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm