Tháo gỡ vướng mắc khi nhu cầu mua nhà ở xã hội tăng cao
Từng cấp phải giải quyết ngay hồ sơ gia hạn, giảm thuế / Không chuẩn từ đầu, hàng Việt sẽ khó "lên kệ" siêu thị nước ngoài
Với mức thu nhập của người lao động hiện nay, đặc biệt là những người trẻ, mới ra trường,thu nhập thấp, công nhân, lao động di dân rất khó có thể dành dụm để mua được nhà, hoặc nếu có thì mức dành dụm được không theo kịp với tốc độ gia tăng giá nhà ở khu vực xung quanh khu công nghiệp hoặc ở các khu đô thị. Có một căn nhà ở xã hội sau nhiều năm thuê trọ đi làm xa nhà là mơ ước của nhiều gia đình công nhân. Nhưng với họ, số tiền để dành mua nhà ở xã hội vẫn quá lớn so với thu nhập. Nếu muốn mua, họ sẽ phải vay mượn, trả nợ nhiều năm. Mức giá bán nhà ở xã hội những ngày qua đang là vấn đề được nhiều gia đình công nhân quan tâm.
Giá nhà ở vẫn cao so với thu nhập của người công nhân
Vợ chồng anh Nguyễn Việt Đức hiện đang là công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Với tổng thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng của 2 vợ chồng, anh Đức vẫn phải gửi 2 con về quê để ông bà nội chăm nuôi ăn học. Tìm hiểu về nhà ở xã hội có mức giá 15-20 triệu đồng/m2, nhà 60m2 cũng có giá 900 triệu đồng, với anh Đức là mức giá chưa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Hiện quy định mức vốn vay để mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng thuê - mua nhà, trong thời gian tối thiểu 15 năm. Với mức lương từ 8-10 triệu đồng mỗi tháng, những người công nhân ở đây nói rằng, nếu ăn dè hà tiện, không phát sinh ốm đau bệnh tật, không mất việc nửa chừng, thì họ cũng mất ít nhất 25 năm mới mua được 1 căn nhà ở xã hội.
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện mới đây với hơn 15.600 người cho thấy những người muốn mua nhà ở xã hội khó tiếp cận với với nhà ở xã hội vì không đủ điều kiện là đối tượng mua, không đủ tiền cho khoản đóng góp ban đầu, khó cạnh tranh suất mua, khó tiếp cận vốn vay để mua…
Giải pháp để phát triển nhà ở xã hội
Giới phân tích đánh giá, phân khúc nhà ở xã hội có thể phục hồi khi có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các quyết sách hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu và rút ngắn khoảng cách cung - cầu, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được tháo gỡ.
Theo đại diện một số doanh nghiệp bất động sản nhà ở xã hội, khó khăn lớn nhất cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này, đó là quỹ đất. Tại TP Hồ Chí Minh, quỹ đất công không còn nhiều. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về phê duyệt dự án, giao đất... để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, DKRA Group:Sẽ có một lượng lớn công nhân hay những người nhập cư tại địa phương, họ chưa có đăng ký hộ khẩu hay chưa có hộ khẩu, họ nằm trong hai nhóm mà còn lại như thu nhập chưa đủ để đóng thuế thu nhập cá nhân và chưa sở hữu nhà thì sẽ thuận tiện hơn. Đây cũng là một trong những cách làm cho chủ đầu tư khi làm nhà ở xã hội tìm kiếm đối tượng khách hàng thuận tiện hơn, giảm bớt trở ngại đối với thị trường hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng: Đối với quỹ đất chính quyền địa phương phải chủ động xác định quỹ đất, quy hoạch làm sao phù hợp, để dành quỹ đất nhất định thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Thứ hai là cơ chế lựa chính chủ đầu tư: nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào việc phát triển nhà ở xã hội.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành:Chúng tôi cũng đề xuất rằng, hiện nay đã thống kê đất làm nhà ở xã hội là 95% do doanh nghiệp tự lo chứ nhà nước chưa đủ nguồn lực. Vậy chúng ta nên xem xét tiếp giai đoạn thứ hai là những khu đất mà đất thương mại dịch vụ, đất hỗn hợp nếu chủ đầu tư đó muốn làm nhà ở xã hội thì chúng ta nên cấp dân số vào khu đất đó để cho triển khai nhà ở xã hội thì mới có đủ quỹ đất.
Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nếu như cách đây 4 năm người lao động Việt Nam cần 35 năm để có thể mua nhà thì con số này giờ đã tăng lên 57 năm. Đó là một con số rất đáng suy ngẫm. Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" đang được chờ đợi và kỳ vọng sẽ giải được "cơn khát" nhà ở của hàng triệu người dân.
Xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết và đậm tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp và trung bình, cũng như góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực tế cũng đã cho thấy, từ khi có chương trình phát triển nhà ở xã hội, địa phương nào quan tâm thì công nhân lao động, người nghèo ở đó có điều kiện tiếp cận nhà ở và ngược lại, người lao động, người dân yên tâm an cư lạc nghiệp thì môi trường đầu tư, nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội cũng bền vững hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo