Thể chế không tốt gây khó cho khởi sự kinh doanh và giết chết DN
DNVN - Một môi trường thể chế tốt là chi phí tuân thủ thấp và ít rủi ro cho doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, môi trường thể chế không tốt có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí cho DN, từ đó làm gia tăng chi phí cho sản phẩm, dịch vụ. Thể chế không tốt làm giảm năng lực cạnh tranh và thậm chí có thể giết chết DN.
Cải cách thể chế: Động lực cho năm 2015 / Cải cách thể chế: Động lực cho năm 2015
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số" do CIEM tổ chức sáng 28/02 tại Hà Nội.
Theo ông Phan Đức Hiếu, khởi sự kinh doanh là một trong 2 nội dung quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp. Hiện Luật DN đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9 này và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021.
CIEM lựa chọn nghiên cứu vấn đề khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư để rà soát chính sách, tham vấn đánh giá kết quả, sau đó kiến nghị lên cơ quan Nhà nước. Nghiên cứu của CIEM được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Phó Viện trưởng CIEM đặt câu hỏi "Tại sao môi trường thể chế tốt lại quan trọng? Và thế nào là một môi trường kinh doanh tốt?" để mở đầu cho bài phát biểu của mình. Theo ông Hiếu, ngoài việc phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, DN kinh doanh phải cõng trên vai các luật lệ chính sách, gánh nặng về thể chế. Một thể chế không tốt có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí cho DN.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo "Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số".
Đó là chi phí thực hiện thủ tục hành chính; Chi phí chính thức: chi phí DN chi cho cơ quan, cán bộ trong quá trình thực hiện pháp luật; Chi phí cơ hội: Mất cơ hội kinh doanh, chi phí vốn = do thời gian thủ tục kéo dài hoặc chậm thủ tục, hoặc không đúng hẹn; Phí, lệ phí: tiền lệ phí, lệ phí phải trả cho cơ quan Nhà nước khi làm TTHC; Chi phí đầu tư: Tiền DN phải đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị, nhân công, đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật.
"Những chi phí này làm gia tăng chi phí cho sản phẩm, dịch vụ. Cùng sản xuất 1 sản phẩm, 1 DN của VN với 1 thể chế của ta với 1 DN của Thái Lan với 1 thể chế của Thái Lan, tôi tin chi phí sản xuất từ nguyên liệu đầu vào của Việt Nam và Thái Lan không chênh lêch mấy, nhưng nếu như ở Việt Nam lại có thêm gánh nặng thể chế nhiều hơn so với các quốc gia khác và đặc biệt so với Thái Lan thì rõ ràng sản phẩm bán ra phải đắt hơn. Bán để bù đắp mọi chi phí thì không thể bán được, còn bán bằng giá của họ thì lại không cạnh tranh được. Có thể nói, môi trường thể chế vô cùng quan trọng", ông Hiếu chia sẻ.
Với phân tích trên, ông Hiếu nhấn mạnh, thể chế không tốt làm giảm năng lực cạnh tranh và có thể giết chết DN. Môi trường thể chế tốt là chi phí tuân thủ thấp và ít rủi ro.
Ở Việt Nam, bằng chứng thực tế cho thấy cải cách thể chế có tác động rất lớn đến khởi sự kinh doanh. Ông Hiếu lấy dẫn chứng, trước năm 2000, thời gian lập DN từ 6 tháng đến 1 năm. Tổng số DN được thành lập khoảng 50.000 DN. Sau năm 2000, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm. Thời gian đăng ký DN là 5 - 7 ngày, khiến số lượng doanh nghiệp đăng ký và số vốn đăng ký đã tăng vọt. Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tăng động lực cho phát triển, góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trả lời câu hỏi "Tại sao khởi sự kinh doanh quan trọng?", ông Hiếu cho biết, ông luôn tâm niệm, muốn có DN tốt thì việc ra đời phải dễ, tức là có số lượng, trong số lượng lớn mới có nhiều DN tốt. Khi thể chế không tốt sẽ dẫn đến chi phí vốn, tăng chi phí kinh doanh; suy giảm động lực và giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với thực trạng này, đại diện CIEM đề xuất, cần tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu của DN, bãi bỏ thủ tục phải thông báo mẫu dấu; bãi bỏ quy định DN phải báo cáo định kỳ 6 tháng về tình hình sử dụng lao động; DN mới thành lập thì thời hạn nộp thuế môn bài thực hiện vào ngày 30/1 của năm kế tiếp. Giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày theo quy định. Ngoài ra, thủ tục mua hóa đơn phải đảm bảo giải quyết ngay trong ngày.
Chỉ khi tháo gỡ được những quy định bất hợp lý thì mới không gây hệ lụy cho DN, DN mới "dễ thở" trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước
Cột tin quảng cáo