Thống đốc NHNN: Cam kết đủ nguồn vốn với lãi suất thấp hơn
Xử phạt 7 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế / Dịch COVID-19 gây tổn thất gần 200 triệu việc làm
Theo nguồn tin từ Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra sáng 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tập trung các nguồn lực thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
Yếu tố then chốt tăng sức chống chịu của nền kinh tế
NHNN đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành liên quan, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như các Bộ ngành, giá một số mặt hàng thiết yếu, lạm phát đã có xu hướng giảm. Theo đánh giá, năm nay, có khả năng kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Về tỷ giá, thời gian qua, NHNN đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó với các tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước. Trong 3 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá đồng Việt Nam biến động trong biên độ khoảng 1,3 – 1,5%; có thể nói là ổn định so với sự biến động rất mạnh của tỷ giá các đồng tiền một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng.
“Ngành ngân hàng cũng như NHNN hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, giữ ổn định được tỷ giá để đảm bảo củng cố được niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi. Từ đầu năm đến nay, chúng ta chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường. Với nguồn lực dữ trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc khẳng định.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, có thể nói, các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong những năm qua là yếu tố hết sức then chốt để tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Theo các chuyên gia nước ngoài cũng như đánh giá của NHNN, nếu không có sự ổn định vĩ mô duy trì được trong những năm vừa qua thì tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế Việt Nam sẽ còn nghiêm trọng hơn. Việc chúng ta tập trung kiểm soát tốt lạm phát thời gian vừa qua cũng đã góp phần rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây cũng là nền tảng quan trọng và then chốt, là cơ sở để tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau dịch.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng và NHNN rất quyết tâm và tập trung các nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh.
Về hành tín dụng và lãi suất, đến 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng như vậy khá là tích cực. Năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng từ 900 nghìn tỷ cho đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng từ 11 đến 14%. Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.
Để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh, thời gian qua, NHNN cũng đã chỉ đạo, có các giải pháp rất mạnh về lãi suất, ban hành các quy định đầy đủ. Về lãi suất, từ cuối năm 2019, và đặc biệt từ tháng 3/2020, NHNN đã chủ động kịp thời điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ 0,5 – 1% các mức lãi suất điều hành.
Bên cạnh việc tập trung đáp ứng vốn tín dụng cho người vay vốn, NHNN đã chủ động thực hiện một số các biện pháp ngay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 của NHNN tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1/2020 là ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch mà không bị chuyển nợ quá hạn không phải trả gốc, lãi trong giai đoạn này và vẫn tiếp tục được vay mới.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai minh bạch các thủ tục điều kiện với khách hàng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Có thể nói đây là những giải pháp quan trọng, cần thiết để hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp”, Thống đốc nói.
Cho vay mới khoảng 180.000 tỷ đồng
Đồng thời, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, NHNN cũng đã và sẽ tiếp tục chủ động chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo các tổ chức tín dụng để yêu cầu tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng để tiếp tục tổ chức triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, tập trung mọi nguồn lực nhằm giảm mạnh lãi suất cho vay, miễn giảm phí thanh toán qua hoat động ngân hàng để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn và chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, các đơn vị có liên quan trên địa bàn toàn quốc, nắm bắt kho khăn, vướng mắc qua đó kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với doanh nghiệp, người dân.
“Sau khi NHNN làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng cũng đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu, cũng như các khoản vay mới”, Thống đốc cho biết.
Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các tổ chức tín dụng, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng và cho vay mới với doanh số cho vay là khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, tác động của dịch với đối với dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức là 23% dư nợ hiện hữu của hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh. Do đó, phải tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ để chỉ đạo các tổ chức tín dụng đồng hành cộng đồng khách hàng vay vốn đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân vay vốn để tiếp tục có các giải pháp triệt để hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh các tổ chức tín dụng thương mại, NHNN cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với trên 40.000 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng 1.400 tỷ đồng. Cho vay mới với hơn 275.000 khách hàng, doanh số cho vay là khoảng 12.000 tỷ đồng. NHNN cũng đang tổng hợp các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng xem xét giảm lãi xuất cho vay một số đối tượng, một số chương trình vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để giảm bớt khó khăn cho đối tượng chính sách.
Tới đây, triển khai Nghị quyết của Chính phủ về an sinh xã hội, NHNN sẽ hướng dẫn Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các thủ tục cho vay tái cấp vốn của NHNN cho Ngân hàng này khoảng 16 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0% để cho vay người lao động bị ngừng việc tạm thời.
“Thời gian tới đây, NHNN với sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đảm bảo cung ứng và chúng tôi cũng cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nếu cần thiết và chúng tôi cũng sẽ khẩn trương xem xét chỉnh sửa các quy định của pháp luật nếu cần để đáp ứng nhanh các yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong hệ thống ngân hàng. Chỉ đạo toàn bộ hệ thống ngân hàng triển khai mạnh mẽ các biện pháp về lãi suất và cơ cấu lại nợ, cho vay mới trên phạm vi toàn quốc”, Thống đốc khẳng định.
NHNN cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thường xuyên có đánh giá tác động của dịch bệnh lên tổng thể nền kinh tế và kiến nghị các giải pháp, kể cả các giải pháp về công cụ chính sách tiền tệ để chúng ta có thể kịp thời có các giải pháp hỗ trợ để giữ ổn định, giúp cho năng lực hồi phục cho nền kinh tế.
“Toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để đồng hành, hỗ trợ cùng nền kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo