Thị trường

HAGL còn hơn 830 tỷ đồng quá hạn trả cho BIDV, lỗ thêm 200 tỷ sau kiểm toán

DNVN - Phía Kiểm toán lại tiếp tục nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của CTCP HAGL do vốn lưu động âm và nợ quá hạn chưa trả.

Xuất khẩu nông sản gặp khó vì Trung Quốc hạn chế giờ, cửa khẩu thông quan / Kiến nghị dừng xuất khẩu gạo cấp thấp để thực hiện dự trữ quốc gia

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Đáng lưu ý, sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế của HAGL lại tiếp tục có điều chỉnh. Khoản lỗ sau thuế trên báo cáo kiểm toán đã tăng thêm 200 tỷ đồng lên 1.809 tỷ đồng chủ yếu do Kiểm toán viên đề nghị trích thêm chi phí dự phòng.

Sau soát xét, chi phí tài chính của HAGL tăng vọt 44% lên 1.964 tỷ đồng do xuất hiện thêm khoản lỗ từ thanh lý các khoản đầu tư gần 598 tỷ đồng bên cạnh khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14% khiến lỗ sau thuế tăng thêm 200 tỷ đồng.

Số liệu kinh doanh trước và sau kiểm toán (Nguồn: HK tổng hợp)

Số liệu kinh doanh trước và sau kiểm toán (Nguồn: HK tổng hợp).

Khoản lợi nhuận khác của HAGL cũng có sự thay đổi lớn khi HAGL được ghi nhận thêm 335 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng cùng với việc giảm chi phí đánh giá lại tài sản không hiệu quả khiến khoản lỗ khác giảm từ 1.789 tỷ xuống còn 1.338 tỷ đồng.

Lý do xuất hiện khoản lỗ khác lớn là việc HAGL điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây cọ dầu, cao su vào chi phí do chuyển đổi mục đích sang cây trồng ăn trái và đánh giá các tài sản không hiệu quả.

Doanh nghiệp cho biết năm 2019 lợi nhuận gộp giảm 2.147 tỷ đồng so với 2018 chủ yếu do trong năm doanh thu từ trái cây của doanh nghiệp giảm, đồng thời HAGL cũng không còn hợp nhất doanh thu trái cây từ nhóm Công ty Đông Dương, Cao su Trung Nguyên và doanh thu từ khu phức hợp HAGL – Myanmar.

Tại báo cáo hợp nhất, phía Kiểm toán cũng cho biết CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng tại ngày 31/12/2019 với tổng giá trị gần 10.505 tỷ đồng (31/12/2018 là 7.495 tỷ) nhưng Kiểm toán viên không thể thu thập được đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng gần 5.669 tỷ đồng..
Chi tiết khoản phải thu về cho vay của HAGL (Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019)

Chi tiết khoản phải thu về cho vay của HAGL (Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019).

 

Tại cuối năm 2019, tổng phải thu ngắn hạn và dài hạn của HAGL là 12.830 tỷ đồng, trong đó phải thu về cho vay hơn 9.780 tỷ đồng.

Tới ngày 9/4/2020 HAGL vẫn còn một số khoản nợ bị trễ hẹn thanh toán với Ngân hàng BIDV gồm gần 250 tỷ đồng đáo hạn ngày 20/10/2019, 577 tỷ đồng đáo hạn ngày 28/12/2019.
Chi tiết khoản nợ chưa thanh toán của HAGL (Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019)

Chi tiết khoản nợ chưa thanh toán của HAGL (Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019).

Kiểm toán nhấn mạnh tại ngày 31/12/2019 nợ ngắn hạn của HAGL vượt tài sản ngắn hạn 1.016 tỷ đồng cùng với việc trễ hẹn trả nợ cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Đây cũng là vấn đề được phía Kiểm toán liên tục đề cập tới trong các kỳ soát xét.

Kết thúc năm 2019, tổng nợ đi vay của HAGL lên tới gần 14.700 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản và giảm hơn 7.000 tỷ so với đầu năm.

Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ là HAGL đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại ngày 31/12/2018 hơn 335 tỷ đồng.

 

Việc trích lập này đã được thực hiện trong các năm trước theo Nghị định 20. HAGL cũng không ghi nhận thêm khoản dự phòng thuế TNDN tương tự cho năm 2019 hơn 147 tỷ đồng do HAGL đã áp dụng các nội dung mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 20 mặc dù dự thảo này chưa được phê duyệt chính thức.

Nếu HAGL thực hiện việc ghi nhận chi phí thuế TNDN theo hướng dẫn hiện tại của Nghị định 20 cho năm 2019 và không hoàn nhập chi phí thuế TNDN đã ghi nhận các năm trước đó thì chỉ tiêu “Chi phí khác” sẽ tăng 335 tỷ đồng, mục “Chi phí thuế TNDN hiện hành” sẽ tăng 147 tỷ đồng. Do đó, chỉ tiêu lỗ trước thuế và lỗ sau thuế sẽ tăng lên lần lượt 335 tỷ và gần 483 tỷ đồng.

Trước đó tại báo cáo kiểm toán bán niên 2019, HAGL cho biết căn cứ đánh giá của Ban Giám đốc thì quy định của Nghị định 20 còn nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong lĩnh vực thực tiễn và chưa đúng bản chất của Nghị định là chống chuyển giá. Ban Giám đốc cho biết đã trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xem xét điều chỉnh thay đổi Nghị định.


Hoàng Kiều
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm