Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019
(DNVN) - Với 438/449 đại biểu có mặt tán thành (90,31% tổng số đại biểu), chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Gỡ bỏ “rào cản” trì trệ về kinh doanh xăng dầu / Nguyên tắc chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban quản lý vốn NN
Theo đó, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2019 là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết của Quốc hội quy định phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương; phân bổ số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương; mức bội chi ngân sách địa phương và mức vay để bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của từng địa phương.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. (Ảnh: TPO)
Nghị quyết giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu và kinh phí sự nghiệp còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu Ứng phó với Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, đảm bảo yêu cầu thời gian phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ. Điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2019 được Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2018; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2019; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành để giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội này.
Đối với các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù do HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước, phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hằng năm và nguồn tài chính khác để thực hiện, ngân sách trung ương không hỗ trợ.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Cột tin quảng cáo