Thủ tướng: Công nghiệp hỗ trợ cần có tầm nhìn chiến lược như HLV Park Hang Seo
(DNVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), một ngành có tên “hỗ trợ”, nhưng đang rất cần được hỗ trợ, tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.
Công ty chơi lớn, thưởng nhân viên gần 100 tỷ đồng dịp Giáng sinh / Chờ quyết sách từ nửa vòng trái đất, loạt nữ tỷ phú Việt mất “núi tiền”
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, cần coi CNHT là ngành trọng yếu, cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp.
CNHT đóng vai trò rất quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn, tránh bẫy thu nhập trung bình.
CNHT được xem là nhân tố thúc đẩy hay ‘bánh đà’ của nền công nghiệp. Các nước có nền công nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới đều rất quan tâm, chú trọng và đã có những cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển CNHT từ rất sớm và thực tế là họ đã đạt được những thành tựu vượt bậc.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành CNHT của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày, mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15% GDP. Hiện nay, đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy.
Theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp CNHT còn quá ít. Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Đáng chú ý, Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực nên sản phẩm CNHT chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp FDI và các chuỗi sản xuất của nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến phát biểu, qua đó yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu “mỗi người một kinh nghiệm tốt” để có Nghị quyết của Chính phủ về phát triển CNHT.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành một công xưởng sản xuất, có thể của châu Á, của thế giới hay của ASEAN.
Để có thành công này, Thủ tướng cho rằng, phát triển CNHT cần có tinh thần như đội bóng quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc Park Hang-seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực. Phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào kinh tế.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo