Tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành
DNVN - Nhấn mạnh năm 2020 là năm về đích của Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ việc thống nhất cao nhiệm vụ, giải pháp công tác này để các đơn vị, bộ, ngành thống nhất thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng.
Hà Nội chú trọng phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân / Novaland kêu cứu, đề nghị được tiếp tục thực hiện Dự án khu dân cư Bình Khánh
Chiều 06/02/2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban 1899) đã chủ trì phiên họp thứ sáu triển khai nhiệm vụ trong năm 2020.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các kết luận phiên họp của Chủ tịch Ủy ban 1899 trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP)
Ghi nhận một số bộ, ngành đã nhanh chóng cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, song Chủ tịch Ủy ban 1899 yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã được Chính phủ giao, cụ thể là hoàn thiện công tác quản lý, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu về lô hàng giảm, mặt hàng được áp dụng kiểm tra giảm thủ tục để thực hiện; lấy ý kiến các doanh nghiệp về triển khai thực hiện văn bản quản lý, kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục triển khai Đề án thí điểm bảo lãnh thông quan để trình các cấp thẩm quyền xem xét trong năm nay.
Liên quan tới vấn đề kiểm soát dịch bệnh nCoV, dịch cúm gia cầm đang ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phân tích, đánh giá thực trạng ảnh hưởng của dịch bệnh tới việc bao tiêu hàng hoá, từ đó bổ sung biện pháp cụ thể, thiết thực trong kiểm tra chuyên ngành, thông quan để "đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch bệnh nhưng không để ách tắc hàng hoá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, bảo đảm giao thương".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hiệp hội Logistics vận động các hội viên, sớm ra thông báo giảm 10-20% chi phí lưu kho bãi, đặc biệt là kho lạnh như đã cam kết với Bộ Công Thương để hỗ trợ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.
Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/01/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,8 triệu hồ sơ của khoảng trên 35.000 doanh nghiệp, tăng 15 thủ tục so với năm 2018 và 22 thủ tục thực hiện kết nối chuẩn bị cho triển khai chính thức. Trong đó, các bộ đã triển khai 37/51 thủ tục mới, chiếm 72,6% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm và dự kiến trong quý I/2020 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước trong khu vực là Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào; hoàn thành thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu ngoài ASEAN là Liên minh kinh tế Á-Âu và đàm phán về trao đổi chứng nhận kiểm dịch, trao đổi chứng nhận xuất xứ với một số quốc gia trên thế giới. Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác đều đánh giá việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại thời gian qua đã góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam những năm gần đây đã có sự tăng trưởng vượt bậc (năm 2017 đạt mốc trên 400 tỷ USD và đến năm 2019 đã vượt 500 tỷ USD). |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo