Thị trường

Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng, giá thịt lợn thị trường nội địa giảm sâu

DNVN - Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 17,5% nhưng giá thịt lợn tại thị trường nội địa lại theo xu hướng giảm.

Doanh nghiệp nhỏ loay hoay với các điều kiện kinh doanh xăng dầu / Đại gia công nghệ lấn sân truyền hình, nhà đài Việt Nam lo "mất miếng"

Báo cáo về "Thực trạng chăn nuôi năm 2021, giải pháp phát triển chăn nuôi quý IV và đầu năm 2022” của Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD (trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp là 35,5 tỷ USD), tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 87 triệu USD, tăng 20,9%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 76 triệu USD, tăng 18,2%. Số liệu này chưa tính kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Giá lợn qua các thời điểm

Giá lợn qua các thời điểm.

Về nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 2,7 tỷ USD (trong tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành nông nghiệp là 32,2 tỷ USD), tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sữa và sản phẩm sữa ước khoảng 926.4 triệu USD, tăng 10,9%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 1.125,5 triệu USD, tăng 28,6%.

Tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm, khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD (tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020). Trong đó thức ăn giàu năng lượng đạt 8,97 triệu tấn, tương ứng 2,35 tỷ USD (tăng 49,4% về số lượng và 89,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020); thức ăn giàu đạm đạt 5,09 triệu tấn, tương ứng với 2,27 tỷ USD (giảm 2,6% về số lượng nhưng tăng 28% về giá trị); thức ăn bổ sung đạt 0,38 triệu tấn, tương ứng 0,6 tỷ USD (giảm 3,3% về số lượng và tăng 13,3% về giá trị). Số liệu này chưa bao gồm nguyên liệu nhập khẩu có nguồn gốc động vật.

Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 17,5% nhưng giá thịt lợn lại 9 tháng đầu năm tại thị trường nội địa lại theo xu hướng giảm.

Cụ thể, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm từ tháng 3, 4 (giá bình quân khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg) đến tháng 7, 8/2021 (giá bình quân từ 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg).

 

Sang tháng 9/2021 giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm, tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 40.000 đồng/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.

Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg.

Giá lợn tiếp tục giảm sâu.

Giá lợn tiếp tục giảm sâu.

Như vậy với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg.

 

Điều đáng chú ý, mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thịt vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.

Cùng với đó, các tháng đầu năm 2021, giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, tăng từ 16-46%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Điều này khiến cho doanh nghiệp và người dân chăn nuôi khó chồng khó.

Hiện Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến thức ăn chăn nuôi.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho khu vực nông nghiệp ứng phó với dịch COVID-19. Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm