TP.HCM: Đề xuất bỏ thu 2% phí bảo trì chung cư
Dự án Tân Bình Apartment: Xây dựng trái phép nhiều hạng mục vẫn được tồn tại / Kết luận thanh tra dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né: Có vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền
Trong báo cáo tình hình quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư trên địa bàn mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa gửi UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng, Sở này cho rằng việc quản lý, vận hành chung cư hiện nay còn nhiều bất cập, kiến nghị cần có biện pháp xử lý dứt điểm.
Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM có 1.401 nhà chung cư. Quận 5 chiếm đa số với 245 chung cư, tiếp đó là quận 1 với 192 chung cư, quận Bình Thạnh có 155 chung cư… Hai địa phương không có chung cư là huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi.
Trong đó, chung cư xây dựng trước năm 1975 có 474 chung cư, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng đang được UBND các quận, huyện quản lý và tháo dỡ khi cần thiết. Còn lại là chung cư xây dựng sau năm 1975 đến nay.
Riêng các chung cư xây dựng từ sau năm 1975 đến năm 2005 (thời điểm Luật Nhà ở được ban hành) phần lớn đã có dấu hiệu xuống cấp. Hầu hết các chung cư không có thang máy, nhà để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Đáng chú ý, qua thống kê cho thấy, số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện bàn giao phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư chỉ có 194 chung cư. Tại nhiều chung cư, chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư.
TP.HCM kiến nghị không giao chủ đầu tư thu phí bảo trì. (Trong ảnh: Chung cư Kim Tâm Hải tại quận 12).
Nguyên nhân, bên cạnh một số lý do khách quan còn do chủ đầu tư muốn “ôm” quản lý vận hành nhà chung cư, qua đó quản lý luôn phần kinh phí bảo trì và sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung của cư dân.
Một số chung cư đã được thành lập ban quản trị, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Từ đó dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa cư dân với chủ đầu tư, do chung cư xuống cấp nhưng không có tiền bảo trì.
Từ đó, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị trước mắt điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì theo hướng các bên khởi kiện tại tòa án nhân dân theo pháp luật về tố tụng dân sự. Về lâu dài, kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay.
Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của cư dân trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hải (Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM) cũng cho rằng: Tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu luật pháp vẫn buộc thu khoản phí này sẽ tiếp tục phát sinh tranh chấp không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Do đó, nên bỏ khoản phí này khi người dân mua nhà. Khi chung cư đi vào sử dụng, nếu phát sinh hư hại thì người sử dụng có trách nhiệm đóng góp để sửa chữa, nếu không nộp sẽ có chế tài theo quy định đưa ra.
“Một chung cư có tuổi thọ trung bình 100 năm. Trong 5 năm đầu chung cư vẫn còn bảo hành theo chính sách của nhà thầu. Thời gian đầu chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị chưa nhiều. Nhưng càng về sau, chi phí bảo trì thiết bị càng gia tăng và sau khoảng 10 năm, nguồn quỹ bảo trì sẽ cạn kiệt.
Luật quy định là muốn bảo vệ quyền lợi người dân, nhưng lại vô tình gây ra các tranh chấp phát sinh liên quan đến khoản tiền này.
Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu, mà có thể thực hiện đóng hằng năm; hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp. Khảo sát ở nhiều nơi, nước ngoài cũng có nơi chia nhỏ khoản này ra thu hằng tháng, hằng quý cùng với phí quản lý. Khi kinh phí vận hành sử dụng hết, số dư ra sẽ lập quỹ để bảo trì”, ông Hải nói.
Cư dân giăng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư bàn giao sổ hồng và phí bảo trì chung cư.
Trên địa bàn TP.HCM hiện nay đang nổi cộm vấn đề nhiều chủ đầu tư “cố thủ” trong việc không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân theo quy định cũng như những bất mình trong việc sử dụng số tiền từ quỹ này.
Cụ thể, những ngày gần đây, nhiều cư dân sống tại chung cư Kim Tâm Hải (quận 12) đã tố cáo chủ đầu tư là Công ty CP Kim Tân Hải đến các cơ quan chức năng của thành phố do đơn vị này không chịu bàn giao sổ hồng và chiếm dụng hàng tỷ đồng tiền phí bảo trì chung cư.
Theo phản ánh, cư dân tại dự án chung cư Kim Tâm Hải nhận nhà vào năm 2013 nhưng lại không thành lập Ban quản trị chung cư theo quy định. Phải đến năm 2017, do nhiều cư dân ở đây phản đối, đấu tranh thì Ban quản trị chung cư Kim Tâm Hải mới được hình thành.
Từ ngày có Ban quản trị chung cư, những cư dân liên tục đòi các quyền lợi của mình, trong đó yêu cầu chủ đầu tư sớm bàn giao sổ hồng và quỹ bảo trì. Cư dân ở chung cư cho biết, từ năm 2017, Ban quản trị chung cư liên tục đòi chủ đầu tư phí bảo trì 2%, tuy nhiên chủ đầu tư không trả.
Theo các cư dân, Công ty Kim Tâm Hải đang ôm phí bảo trì chung cư của cư dân hơn 3,5 tỉ đồng. Hiện nay, chung cư đang xuống cấp, cần tiền để tu bổ, tuy nhiên, do không có quỹ bảo trì nên không sửa chữa được. Ban quản trị chung cư Kim Tâm Hải nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng lãnh đạo Công ty Kim Tâm Hải luôn tìm cách né tránh.
Quá bức xúc, nhiều hộ dân đã liên tiếp căng băng rôn bên ngoài căn hộ của mình để phản đối về vấn đề này. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã liên hệ đến chủ đầu tư chung cư là Công ty Kim Tâm Hải nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi từ phía đơn vị này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh