TP.HCM: Đưa ra nhiều giải pháp cấp bách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19
Cần ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 / Sở Xây dựng TP.HCM bị "tuýt còi" vì cấp phép sai quy định tại dự án SaiGon SkyView
Các chuyên gia kinh tế cho biết, TP.HCM chiếm gần 50% số lượng doanh nghiệp và khoảng 10% tổng số hộ sản xuất, kinh doanh cá thể của cả nước nên việc phục hồi kinh tế trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thành phố, mà còn là vấn đề của cả nước.
Đồng thời, khả năng trụ lại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hết sức khó khăn sau cơn bão dịch Covid-19. Vì vậy, tại buổi Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020" vừa diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 10 giải pháp cấp bách để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững hơn sau dịch Covid-19.
Cụ thể, phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, phòng dịch với các cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ..., phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.
Cần ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp, bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động, hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa của Việt Nam.
Cần thực hiện nhiều giải pháp để sớm phục hồi kinh tế TP.HCM.
Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả xuất khẩu. Phải dự báo kịp thời, phối hợp các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.
Phải nhanh chóng thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh.
Không những thế, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án. Phải đẩy mạnh xây dựng khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP.HCM, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh đó cần nhanh chóng hỗ trợ và thúc đẩy thị trường địa ốc phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay. Đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo. Phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của Thành phố, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của ba chương trình đột phá của thành phố và các chương trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.
Trước những khó khăn của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, Tiến sĩ Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế đề cập đến vấn đề cho vay vốn từ ngân hàng, theo ông hiện nay rất nhiều doanh nghiệp than vãn bị nợ chồng nợ chất, nếu theo đúng quy định khoản vay của họ sẽ bị chuyển thành nợ xấu.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, một khi khoản vay bị nhảy nhóm nợ thì doanh nghiệp không vay bổ sung được. Mà không vay được thì cũng đồng nghĩa là không có khả năng trả nợ được và cũng không hoạt động kinh doanh tiếp tục được. Như vậy doanh nghiệp chỉ còn con đường phá sản.
Do vậy, cho vay tiếp hay còn gọi “nuôi nợ” để đòi nợ là cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho hay, chính quyền TP.HCM cũng cần tiếp tục duy trì, bổ sung các chính sách giảm, hoãn nộp tiền sử dụng đất, thuế… cho các doanh nghiệp. Hiện nay, tất cả các quy định từ đầu tư công, đến các thủ tục cấp giấy phép đầu tư vướng luật, chồng chéo lên nhau. Ví dụ cùng một đối tượng nhưng ở luật này thì gọi là nhà đầu tư, còn luật kia gọi là chủ đầu tư, do đó khi làm thủ tục xin cấp phép dự án bị ách tắc.
Liên quan đến đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ, Tiến sĩTrần Du Lịch cho rằng chúng ta nên chọn đối tượng hỗ trợ là chọn doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông bị đổ vỡ. Ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… có nguy cơ bị đổ vỡ thì cần phải được hỗ trợ. Cần đẩy mạnh biện pháp để làm sao ngăn chặn đổ vỡ, gãy đổ từ chuỗi doanh nghiệp này.
Một đối tượng doanh nghiệp cũng cần đặc biệt quan tâm đó là gần 300.000 hộ kinh doanh tiểu thương nhỏ lẻ trên thành phố. Chính những tiểu thương này mới là đối tượng bị tổn thương nặng nề do dịch Covid-19.
Do đó, thành phố cần có chính sách để hỗ trợ cho cả những đối tượng này và nhóm doanh nghiệp này càng phục hồi sớm thì càng góp phần thúc đẩy kinh tế cho thành phố phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều