TP.HCM: Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu
Lo thiếu container, doanh nghiệp xuất khẩu gạo "đứng ngồi không yên" / Các tổ chức quốc tế dự báo như thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2021?
Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng Tết
Trong nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp thương mại đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, đưa hệ thống phân phối về tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và kéo dài thời gian mở bán các điểm bán lưu động, cố định đến tận chiều tối 30 Tết, mở cửa trở lại vào mồng 4 Tết, cho nên phần lớn người dân không còn giữ thói quen tích lũy hàng hóa để sử dụng dần trong dịp Tết như trước, mà mua sắm tùy theo nhu cầu thực tế.
Mặc dù vậy, như mọi năm, nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng đột biến từ 15 đến 20% theo từng nhóm hàng. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp vẫn cấp tập bổ sung dự trữ nguồn hàng để chủ động phương án cung ứng, tránh xảy ra việc khan hàng, tăng giá bán khi có biến động lớn từ thị trường. Trong đó, ưu tiên dự trữ những nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản...
Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sức mua các sản phẩm bánh kẹo trong dịp Tết năm nay sẽ giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tuy nhiên các đơn vị sản xuất vẫn sẵn sàng nguồn hàng. Ðơn cử, Công ty bánh kẹo Bibica đã chuẩn bị lượng hàng tương đương năm 2020. Dự kiến, Bibica sẽ đưa ra thị trường 3.000 tấn bánh kẹo phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong dịp Tết Tân Sửu 2021, với hơn 80 chủng loại sản phẩm cho các phân khúc khác nhau, trong đó điểm nhấn là bộ sản phẩm bánh Goody được trau chuốt và làm mới tỉ mỉ từ chất lượng đến hình thức sản phẩm.
Ðáng chú ý, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến một số mặt hàng trong nước khan hiếm nguồn cung, giá một số nguyên vật liệu tăng từ 7 đến 28%, nhưng Bibica vẫn cam kết không tăng giá bán bất cứ sản phẩm nào. Trong khi đó, với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch chi tiết để chủ động sản xuất, kìm hãm tăng giá, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường.
Hiện Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị cho thị trường Tết, trong đó có 2.300 tấn thịt tươi sống, 5.200 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 10% so với năm trước với tổng giá trị hàng hóa khoảng 900 tỷ đồng, tăng 11% so với Tết năm 2020. Vissan cũng lên phương án tăng cường hợp tác với các trang trại nhằm tăng khả năng tự cung ứng để chủ động về giá bán, cam kết giữ giá ổn định. Ðồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5 đến 10% các sản phẩm chế biến và tươi sống.
Theo ông Nguyễn Vũ Toàn - Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, tổng trữ lượng hàng hóa của Saigon Co.op, bao gồm hàng bình ổn Tết Tân Sửu tăng 15-30% so với cùng kỳ năm trước tùy mặt hàng, đảm bảo đủ hàng bình ổn trong 3 tháng trước, trong và sau tết. Chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm tươi sống và thực phẩm tết.
Riêng mặt hàng thịt sẽ không lo thiếu hàng, không những đã chuẩn bị xong 3.500 tấn thịt an toàn, đảm bảo giá thấp hơn thị trường từ các đơn vị cung cấp thịt heo lớn.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng chuẩn bị một lượng lớn thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản... để luân phiên giảm giá, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Cũng theo ông Toàn, trong 8 tuần kinh doanh tết, hệ thống này kỳ vọng đạt doanh số trên 6.800 tỉ đồng, trung bình mỗi tuần hơn 1.000 tỉ đồng.
"Chúng tôi phân kỳ các dịp mua sắm, trong đó doanh số tập trung vào hai tuần cao điểm trước tết", ông Toàn nói và cho biết hệ thống sẽ có những chương trình khuyến mãi được tung ra phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân theo từng thời điểm.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM cho biết, chủ trương của TP.HCM là đảm bảo người dân có một cái tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc chuẩn bị hàng hóa, mua sắm tết của người dân cũng như doanh nghiệp phải đảm bảo phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, các siêu thị, doanh nghiệp cần có những phương án phòng khi dịch quay lại và có những giải pháp phù hợp từng loại hình kinh doanh, trong đó tăng cường hình thức bán hàng online, giảm tiếp xúc, giải quyết nhanh cho người mua sắm tại siêu thị, tránh ùn ứ”, ông Phước nói. Đồng thời yêu cầu các nhà bán lẻ cần tăng cường kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm tết nhằm đảm bảo cái tết an toàn cho người dân.
Tiếp tục theo sát diễn biến thị trường
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã có chỉ đạo về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, UBND các quận - huyện và các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi tình hình giá cả thị trường, kịp thời điều chỉnh giá phù hợp điều kiện thực tiễn và quy định đối với các mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá.
Mặt khác, giao Cục Quản lý thị trường phối hợp với UBND các quận - huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, hàng cấm, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…; kiểm tra, kiểm soát các tổng đại lý, đại lý phân phối hàng hóa, không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường.
Không khí mua sắm quà tết dịp cuối năm luôn sôi động và rực rỡ sắc màu.
Bên cạnh đó, giao Chủ tịch UBND các quận - huyện, Sở Công Thương, các lực lượng chuyên ngành cùng Trưởng Ban quản lý các chợ truyền thống quán triệt tiểu thương, người kinh doanh cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, bán đúng giá niêm yết… UBND các quận - huyện đảm bảo công tác dọn dẹp trật tự lòng lề đường khu vực xung quanh các chợ đầu mối và chợ truyền thống.
Ngoài ra, giao Sở Công Thương phối hợp Sở NN&PTNT và các tỉnh, thành lân cận tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa liên kết với các vùng nguyên liệu, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Cũng như phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn và UBND các quận - huyện tăng cường phát triển điểm bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ… đưa hàng hóa phục vụ người dân tại các quận ven, các huyện ngoại thành, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mua sắm Tết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI