Vận chuyển hàng hoá: “Giờ chỉ còn lo huyện lộ và xã lộ”
Ba kịch bản cho thị trường lao động Hà Nội / Giá thực phẩm tại Hà Nội tăng, cần phát huy vai trò ‘bình ổn giá’
Trong các buổi làm việc của Tổ công tác phía Bắc (Bộ NN-PTNT) với các địa phương, doanh nghiệp, câu chuyện “nóng” nhất hiện nay vẫn là những khó khăn trên đường vận chuyển, lưu thông hàng hoá qua các địa phương.
Mặc dù Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn nhưng việc vận chuyển, lưu thông nông sản và vật tư phục vụ sản xuất đi các tỉnh lân cận, nhất là Hà Nội vẫn rất khó khăn. Phần lớn kho hàng trung chuyển của các công ty cung ứng lớn đặt ở Hà Nội nên khó khăn khi xe ra vào để lấy hàng mang đi các tỉnh. Cùng với đó, việc xin cấp giấy xác nhận hoạt động kinh doanh tại phường/xã quá tải, gặp nhiều khó khăn trong công tác hoàn thiện thủ tục theo yêu cầu.
“Một số chốt kiểm soát dịch hoạt động cứng nhắc, chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng đông lạnh lưu thông nhanh chóng. Còn chưa có sự nhất quán quan điểm thực thi tại các điểm chốt kiểm soát dịch dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đi làm và giao hàng cho các điểm phân phối” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến – Tổ trưởng Tổ công tác phía Bắc của Bộ NN-PTNT cho biết.
Ông Tiến cho rằng: “Tỉnh lộ, quốc lộ đến nayđã cơ bản thuận lợi rồi, giờ còn huyện lộ và xã lộ là cần phải tập trung tháo gỡ. Trong chỉ đạo của Chính phủ thì không để hàng thiết yếu bị tồn đọng. Thời gian qua tranh luận nhiều về thế nào là hàng thiết yếu. Bộ Công Thương đã ban hành danh mục hàng hoá cấm lưu hành. Thế nhưng nhiều loại vật tư nông nghiệp vẫn không lưu thông được vì không phải hàng thiết yếu. Điều này rõ ràng sẽ rất ảnh hưởng tới sản xuất cho vụ sau”.
Nhiều DN phản ánh, xe bồn lớn chở thức ăn chăn nuôi hoặc vật tư sản xuất đến các xã, huyện, lực lượng chống dịch không cho vào phải sang trung chuyển, rất tốn kém, mất thời gian.
Cũng liên quan lưu thông hàng hoá, hiện nay, nhiều đơn vị vận chuyển ngừng cung cấp dịch vụ (Grab, Beemin, Ahamove….) và không được vận chuyển liên quận, chính vì thế, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đặt vấn đề để các DN bán lẻ chủ động shipper để họ có trách nhiệm quản lý, đảm bảo an toàn chống dịch. Quy định lái xe phải có GCN kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ… đã làm tăng chi phí vận chuyển.
Về phân phối, tiêu thụ nông sản, theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện nay nhu cầu tiêu thụ giảm do thu nhập người tiêu dùng giảm, các nhà hàng, bếp ăn tập thể đóng cửa do ảnh hưởng của Covid-19. Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động do trường học, cơ sở dịch vụ ăn uống ngừng hoạt động. Việc phân phối gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ nếu dịch xuất hiện thì việc buộc phải tạm ngừng giết mổ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và phân phối nguồn hàng trên địa bàn các tỉnh.
Thông tin thị trường còn hạn chế
Qua đợt dịch này cũng bộc lộ thêm vấn đềthông tin về nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng của các địa phương còn hạn chế nên nhiều địa phương chưa chủ động được kế hoạch sản xuất phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đơn cử, hiện nay, Hà Nội có khả năng tự cung cấp 19% - 60% nhu cầu nông sản của thành phố. Mỗi tháng, Hà Nội cần nhập từ bên ngoài 36.632 tấn gạo, 4.318 tấn thịt trâu bò, 1.094 tấn thịt lợn, 36.001 tấn rau củ, 2000 tấn thủy sản, 7,2 triệu quả trứng gia cầm, 4.230 tấn thực phẩm chế biến và nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, để biết được chỗ nào cần nguồn hàng, nơi nào có hàng để có thể kết nối tiêu thụ và dây chuyền sơ chế các sản phẩm nông sản này ra sao thì lại là một câu chuyện dài cần bàn.
Cụ thể, với lĩnh vực thuỷ sản, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, hiện các đầu mối tiêu thụ sản phẩm còn rất rời rạc, nhỏ lẻ. Các địa phương cần rà soát các địa điểm, tổ hợp tác, HTX…có số điện thoại để chính Tổ công tác của Bộ NN-PTNT cũng có thể kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
“Giao thông đi huyện, tỉnh,…thì không sao, nhưng với thuỷ sản thì đi vào các xã, điểm thu rất vướng. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn đến khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm đúng quy cách chứ không thể cứ bơm oxy rồi vận chuyển nguyên con cá để cung cấp về các thành phố lớn được. Như vậy rất tốn kém mà không hiệu quả” – ông Luân nói.
Trước các khó khăn đang gặp phải, Hiệp hội các DN kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương thống nhất lưu thông “luồng xanh” giữa các địa phương; đẩy nhanh và mở rộng năng lực cấp phép luồng xanh; bổ sung sản phẩm, vật tư đầu vào nông nghiệp vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để tạo điều kiện ổn định lưu thông hàng hóa; mở lại cung cấp dịch vụ vận chuyển với các đối tác vận chuyển như (Grab, beemin, Ahamove….).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ