Vì sao gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ COVID-19 giải ngân chậm?
Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar bàn giải pháp ứng phó đại dịch, đảm bảo chuỗi cung ứng, đón sóng dịch chuyển đầu tư / Nhiều mặt hàng Việt xuất EU nguy cơ bị áp dụng phòng vệ thương mại
Để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đầu tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42, sau đó là Quyết định 15 hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn như: người nghèo, người cận nghèo, đối tượng chính sách, người lao động mất việc, doanh nghiệp khó khăn…, tổng ngân sách lên tới 62.000 tỷ đồng.
Đây là một chủ trương hết sức kịp thời, nhân văn, trong bối cảnh hơn 30 triệu lao động chịu tác động của dịch và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Vài tháng qua, công tác rà soát, chi trả đã được tiến hành khẩn trương ở tất cả các tỉnh, thành, nhưng kết quả chưa được như mong đợi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết tháng 7, đã giải ngân 11,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 12% tổng gói an sinh theo kế hoạch, thực hiện hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh.
Đến nay, về cơ bản, việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã hoàn thành. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, nhất là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp. Gần 16.000 lao động được hỗ trợ, trong khi dự kiến ban đầu là 1 triệu người; rất ít doanh nghiệp, người sử dụng lao động tiếp cận được vốn vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc…
Đề xuất sửa đổi điều kiện nhận hỗ trợ
Mới đây Bộ Lao động - TBXH đã có Tờ trình gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15, theo hướng nới lỏng các điều kiện, mở rộng đối tượng thụ hưởng và kéo dài thời gian áp dụng để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
- Về đối tượng hỗ trợ: Mở rộng thêm những người làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, nhưng không còn nguồn kinh phí trả lương, tức là các giáo viên;
-Về điều kiện tài chính của doanh nghiệp: Doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019", thay vì điều kiện "không có nguồn thu" như trước đó;
Dịch bệnh xảy ra, nhiều công nhân bị cắt hợp đồng lao động. (Ảnh minh họa: Dân trí)
- Về thời gian được vay trả lương người lao động: Vẫn được vay lãi suất 0%, mức vay 50% lương tối thiểu vùng, nhưng thời gian áp dụng kéo dài hơn, từ tháng 4 đến tháng 12/2020 chứ không chỉ tới tháng 6 như trước
- Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021, tức kéo dài hơn 6 tháng so với trước, trước đây theo Quyết định 15 chỉ giải ngân hết 31/7/2020.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là ý nghĩa cốt lõi, bản chất của gói an sinh 62.000 tỷ do Chính phủ triển khai. Gói hỗ trợ này ra đời trong đợt dịch trước. Dù đã khống chế tốt dịch ở giai đoạn 1 nhưng chưa tranh thủ được nhiều lợi thế, Việt Nam đã tiếp tục gặp khó khăn khi dịch bùng phát trở lại. Vì vậy, nếu không có các chính sách đủ mạnh, thì nền kinh tế khó phục hồi.
Việc sửa đổi Nghị quyết số 42 phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, để chính sách có thể đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. Hơn ai hết, người lao động và doanh nghiệp chính là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trong khó khăn này.
Vậy vì sao tiến độ giải ngân còn chậm? Nút thắt của gói an sinh rất ý nghĩa và nhân văn này nằm ở đâu? Câu trả lời phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (25/8).
End of content
Không có tin nào tiếp theo