Việt Nam đón 'sóng' dịch chuyển nhà máy sau dịch Covid-19?
Giá gạo xuất khẩu lên cao nhất 2 năm / Hà Giang: Chàng thanh niên làm giàu từ mô hình VAC
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thực chất bắt đầu từ trước thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, tuy nhiên quá trình này diễn ra nhanh hơn kể từ khi bệnh dịch Covid-19 bùng phát. Việt Nam đang là một trong những thị trường được nhiều “ông lớn” lựa chọn.
Vì sao chọn Việt Nam?
Cuộc chuyển dịch rầm rộ chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn từ nước láng giềng Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon... đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Bởi, thời gian qua, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô, cùng với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt mỗi năm.
Điển hình trong năm 2019, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ như: Amazon và Home Depot đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam,Google chọn Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel.
Mới đây, Nikkei dẫn nguồn tin cho biết, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc AirPods tại Việt Nam, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. "Việc sản xuất hàng loạt AirPods ở Việt Nam có thể đã bắt đầu từ hồi tháng 3. Các chuyên gia làm việc cho một nhà cung ứng của Apple thậm chí còn được nhà chức trách Việt Nam cho phép nhập cảnh trong thời điểm các biện pháp kiểm soát Covid-19 được áp dụng trên quy mô toàn quốc", Nikkei cho biết.
Theo các chuyên gia, rất khó để biết được có bao nhiêu công ty đang có ý định dịch chuyển sang Việt Nam. Nguyên nhân là do những công ty này thường giữ kín các động thái để tránh làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ với chính phủ và nhà cung cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang khảo sát, tìm hiểu việc đầu tư chuỗi sản xuất vào Việt Nam
Một trong những nguyên nhân khiến các tập đoàn đa quốc gia rời bỏ Trung Quốc là những bất ổn sụt giảm kinh tế gần đây do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Trung Quốc được cho là có nhiều biểu hiện ưu đãi bất đối xứng cho các tập đoàn điện tử trong nước, đặc biệt là các "đại gia" công nghệ của nước này như Alibaba, Huawei... Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nhiều lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ.
Cơ hội cho Việt Nam
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam khó có lợi thế bằng Trung Quốc như: quy mô lực lượng lao động sản xuất của Việt Nam chỉ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; nguồn cung nguyên liệu hạn chế; tỷ lệ lao động có tay nghề cao còn thấp… Vì vậy, cần phải xem các “ông lớn” chuyển sản xuất về Việt Nam những gì.
Chẳng hạn, việc dịch chuyển sản xuất AirPods của Apple chưa bao gồm những chiếc AirPods Pro, phiên bản cao cấp với tính năng khử ồn của thương hiệu này.
Trung Quốc luôn chú trọng thu hút các ngành công nghiệp giá trị gia tăng, tạo ra nguồn thu thuế cao. Thêm nữa, các ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp thường gây ô nhiễm nhiều hơn, trong khi Trung Quốc đang mong muốn cải thiện môi trường tại các khu đô thị, giảm bớt việc sử dụng quỹ đất.
“Nếu các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam chỉ là các nhà máy gia công, lắp ráp và sản xuất kỹ thuật thấp thì phải xem lại. Nếu mức độ chuyển giao công nghệ chỉ ở cấp thấp, thì phải xem họ tận dụng thị trường và lợi thế của Việt Nam trong ngắn hạn”, một chuyên gia khuyến cáo.
Theo thống kê, hiện có khoảng 50 công ty đa quốc gia, cả trong và ngoài Trung Quốc, đã quyết định hoặc lên kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất. Trong cuộc đại chuyển dịch này, cơ hội chia đều cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, song Việt Nam có nhiều lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiệu ứng lan tỏa cho ngành công nghiệp Việt Nam đến đâu hãy còn là câu hỏi bỏ ngỏ nếu Việt Nam không sớm cải thiện hạ tầng công nghệ cũng như kỹ năng của lực lượng lao động và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, phải có chính sách ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia chuyển công nghệ cao, công nghệ nguồn về Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Ảnh minh họa