Xuất khẩu gạo chuyển mạnh theo hướng chất lượng
(DNVN) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa nước ta từ cảnh thiếu ăn trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Được cởi trói, xuất khẩu gạo Việt sắp bứt phá? / Tổ chức Hội nghị gạo quốc tế Việt Nam năm 2018
Sáng nay (11/10), Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader tổ chức Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10. Đây là lần đầu tiên sự kiện quốc tế uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo này được tổ chức tại Việt Nam.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; lãnh đạo Bộ Công Thương; Bộ NN&PTNT; đại diện Hiệp hội Lương thực VN…cùng đại diện ngành hàng từ các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, các công ty lớn về xuất khẩu, nhập khẩu gạo và các chuyên gia quốc tế về sản xuất, thương mại gạo.
Xuất khẩu gạo Việt chuyển mạnh theo hướng chất lượng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Sản xuất, xuất khẩu gạo của VN đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển.
Sản phẩm gạo xuất khẩu của VN hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo VN đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Ảnh: VOV)
Mới đây, Chính phủ VN đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh việc tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đạt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu gạo VN.
“Việc Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ VN đối với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất gạo, đối với hợp tác quốc tế trong khu vực và toàn cần về sản xuất, thương mại gạo”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hội nghị Gạo lần thứ 10 và Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo VN là sự kiện quan trọng, là cơ hội để VN được giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh của gạo Việt, sản phẩm của gạo Việt ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng nhờ định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định hội nghị là cơ hội giới thiệu hình ảnh gạo Việt với bạn bè quốc tế. (Ảnh: Báo Công thương)
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng, đây cũng là cơ hội để có nhiều hơn các doanh nghiệp VN có thể tiếp cận với cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hiện đại, học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu từ các chuyên gia hàng đầu.
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho nông dân, nâng cao thu nhập của nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, gắn phát triển thị trường xuất khẩu gạo với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo VN trên thị trường, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu.
Ông Jeremy Zwinger - Chủ tịch kiêm Tổng điều hành Tạp chí The Rice Trader khẳng định, thời gian qua, Chính phủ VN đã đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển ngành sản xuất và xuất khẩu gạo VN, mang lại nhiều bước tiến tích cực.
Khó khăn và thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã chỉ ra những thách thức và khó khăn mà thị trường gạo Việt đang phải đối mặt.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sản xuất lúa gạo đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, của làn sóng đô thị hóa. Tình hình chính trị - xã hội khu vực và thế giới nhiều diễn biến bất lợi, một số dịch bệnh mới xuất hiện có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, khả năng cung cấp lương thực và hoạt động thương mại gạo.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các doanh nghiệp VN chủ động gặp gỡ, tìm hiểu các đối tác, đồng thời, tiếp cận công nghệ mới để có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.
“Với thông điệp của Hội nghị là “Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”, chúng ta sẽ cùng thảo luận các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của thương mại gạo cầu, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển gạo bền vững, trong quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu gạo và ứng dụng cách mạnh công nghiệp 4.0 trong ngành lúa gạo. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế sẽ góp cho hướng đi, hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo