Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khó chạm mốc 43 tỷ USD
Xuất khẩu cá tra sang Trung Đông giảm mạnh / Ba Lan xúc tiến xuất khẩu thịt bò vào Việt Nam
XK chỉ tăng 2%
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT: Trong tháng 7, XK các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,55 tỷ USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, nông sản chính ước đạt 10,84 tỷ USD; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 388 triệu USD; thủy sản ước đạt 4,68 tỷ USD; lâm sản chính ước đạt gần 6,01 tỷ USD.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, trong nhóm nông sản chính, mặc dù nhiều sản phẩm có khối lượng XK tăng so với cùng kỳ năm trước như: Cao su tăng 10,7%; gạo tăng 2,1%; điều tăng 13,3%; tiêu tăng 32,5%, nhưng giá XK một số sản phẩm lại đi theo chiều giảm sâu. Cụ thể, giá điều giảm tới 20,6%; tiêu giảm 25,2%; cà phê giảm 12%; gạo giảm 16%. Chính điều này đã khiến tổng kim ngạch XK nhóm nông sản 7 tháng đầu năm giảm tới 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ NN&PTNT đánh giá: Những tháng đầu năm, tốc độ tăng kim ngạch XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm 2018; giá XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh. Điều này xuất phát từ những thay đổi về chính sách của Trung Quốc cũng như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Xung quanh "bức tranh" tăng trưởng ngành nông nghiệp nói chung của nửa đầu năm, trong đó có yếu tố XK, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp không cao như năm 2018 là điều tất yếu. Lý do là bởi, năm nay nông nghiệp Việt chịu những thách thức rất lớn. Điển hình như dự báo đà tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến lượng cầu nông sản... Ba lần dự báo tăng trưởng giảm của bức tranh kinh tế thế giới cho thấy rất nhiều bất lợi cho nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có nông sản.
Mông lung mục tiêu 43 tỷ USD
Bộ NN&PTNT dự báo: Thời gian tới, XK nông sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khiến XK nông, lâm, thủy sản nói chung khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018. Lý do được Bộ NN&PTNT chỉ ra là bởi 2 yếu tố chính. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Thứ hai, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong XK, khiến cho giá giảm sâu. Trong khi đó, các nước NK nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Ngay từ đầu năm nay, ngành nông nghiệp đã đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản sẽ đạt 43 tỷ USD. Tuy nhiên, với những diễn biến không mấy thuận lợi từ đầu năm đến nay, vươn tới mục tiêu này được đánh giá khá khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Nửa cuối năm, cần sự cố gắng chung của toàn ngành, trong đó đặc biệt là tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa. "Một là chúng ta phải đẩy nhanh, mạnh lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, trong đó có kinh tế lâm sản. Bên cạnh đó, lĩnh vực đẩy mạnh còn là thủy sản khai thác và nuôi trồng. Đây sẽ là 2 khu vực "cứu cánh" cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu XK toàn ngành nông nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Với lĩnh vực thủy sản, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tiếp tục phát triển nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là tôm, cá tra tại ĐBSCL; tổ chức triển khai một số quy định về điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để lấy lại "thẻ xanh" và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững...
Ngoài ra, với lĩnh vực chế biến, phát triển thị trường, Bộ NN&PTTN sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường XK, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định; đáp ứng các yêu cầu của nước NK về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản XK; đẩy mạnh công tác giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực vào thị trường Trung Quốc; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại nông sản giữa hai nước...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá